Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điểm hẹn vui chơi đầu năm

Bài, ảnh: Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tại Hà Nội tiếp tục diễn ra nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật hấp dẫn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong tháng Giêng.

Ngay sau kỳ nghỉ lễ, mở đầu cho hàng loạt chương trình đón Xuân Kỷ Hợi 2019, trong hai ngày 12 và 13/2 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra chương trình Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Ngày hội với sự tham gia của khoảng 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 25 cộng đồng dân tộc đến từ 17 tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước. Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động như chương trình “Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân”; lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc; tái hiện Lễ hội Aza koonh của dân tộc Tà Ôi; giới thiệu nghi lễ đón Tết của dân tộc Dao. Bên cạnh đó là chương trình giao lưu “Ngày hội mùa Xuân” của các dân tộc tại Làng; Tết trồng cây - “Mùa Xuân nhớ Bác”; hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, các trò chơi dân gian nhảy sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu… Ẩm thực ngày Tết: Bánh chưng, xôi nếp 3 màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy.
 Người dân du Xuân tại Hoàng Thành Thăng Long dịp Xuân Kỷ Hợi. 
Cùng với đó, vào lúc 20 giờ ngày 13/2 tại Rạp Kim Mã (71 Kim Mã, Hà Nội), Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tổ chức chương trình “Tiệc mở hội xuân”. Đây là chương trình giới thiệu và biểu diễn tín ngưỡng văn hóa dân gian đặc sắc của Việt Nam và nghệ thuật chầu văn trong 90 phút. Chương trình được thể hiện bởi 2 thanh đồng là NSƯT Kim Liên, Thục Hiền và 5 cung văn là NSND Khắc Tư, Thái Sơn, Văn Phương, Thành Lê, Đức Kiên. Cùng ngày, Nhà hát Tuổi trẻ cũng sẽ công diễn vở “Tin ở hoa hồng” của tác giả Lưu Quang Vũ viết năm 1982. Câu chuyện về hai bạn trẻ tình cờ gặp nhau, rồi cùng chiến đấu chống lại những chuyện bất công, vô lý trong cuộc sống, được NSƯT Chí Trung và ê kíp dàn dựng với một phiên bản hoàn toàn mới, trẻ trung, hiện đại, hợp với thị hiếu khán giả ngày nay.

Ngoài ra, từ nay đến hết ngày 14/2, Phố Sách Xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều hoạt động. Cụ thể, trong suốt thời gian Phố Sách Xuân, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ giới thiệu tác phẩm: “Tìm hiểu về lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội 1.000 năm văn hiến” thông qua các trích đoạn theo chủ đề như: Sự tích Hồ Gươm, Giai thoại danh nhân thời đại, Thần đồng đất Việt, Danh nhân văn hóa. Tại các nhà sách sẽ diễn ra nhiều chương trình giao lưu với độc giả, giới thiệu sách, rút thăm trúng thưởng, mừng tuổi cho độc giả đầu Xuân. Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục thực hiện chương trình “Mừng tuổi bằng sách”, theo đó ưu đãi tất cả các sách của Nhà xuất bản cho bạn đọc với các mức 15%, 30% và 50%. Trong những ngày đầu năm mới, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt hai ấn phẩm chào đón Tết Kỷ Hợi 2019: “Tết xưa thơ bé” và “Nhớ ơi là Tết”.

Tiếp nối các chương trình văn hóa trong dịp nghỉ Tết, các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú. Ngày 13/2, trong không gian linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long những ngày đầu Xuân mới, lễ dâng hương khai Xuân là một hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục diễn ra Hội chữ Xuân 2019. Trong khuôn khổ của chương trình sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống; khu vực trưng bày triển lãm thư pháp; khu vực gian viết chữ; tái hiện quang cảnh trường thi (nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng); khu vực làng nghề truyền thống (giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ); khu vực các trò chơi dân gian (nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan); lễ hội Hoa chữ; chợ phiên và ẩm thực dân gian; cuộc thi ảnh Hội chữ Xuân.