Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điều chưa biết trong thế giới di động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Người Puerto Rico vô địch thế giới về gọi điện thoại di động với 31,25 giờ mỗi tháng, người Madrid và Paris lại rất “tự hào” khi gọi di động trên đường phố…

KTĐT - Người Puerto Rico vô địch thế giới về gọi điện thoại di động với 31,25 giờ mỗi tháng, người Madrid và Paris lại rất “tự hào” khi gọi di động trên đường phố…

Mới đây, tạp chí "The Economist" đã có một bài viết khá thú vị về văn hóa sử dụng điện thoại di động của người dùng trên khắp thế giới. Theo tác giả bài viết, “nền tảng văn hóa dân tộc” được thể hiện rất đậm nét trong “văn hóa sử dụng điện thoại di động”. Đây là một khám phá không hề mới, thậm chí là rất cũ nhưng những gì The Economist đã “nhặt nhạnh” được lại cho người đọc cái nhìn thú vị về thói quen sử dụng di động của mọi người.

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế về lĩnh vực viễn thông, tính đến hết quý III/2009 thế giới đã có khoảng 4,6 tỷ thuê bao điện thoại di động nhưng số lượng các dịch vụ hay thậm chí cách thức sử dụng dịch vụ trên điện thoại di động của mọi người rất khác nhau.

The Econimist còn phát hiện ra rằng cách mọi người gọi tên chiếc điện thoại di động cũng phản ánh rất rõ nét quan niệm của họ về lĩnh vực này. Ví dụ ở một số nước, người ta gọi là “cellular phone” với hàm ý nhấn mạnh đến vấn đề công nghệ, một số gọi là “mobile” – nhấn mạnh đến tính di động của thiết bị và “hand phone"  là để nhấn mạnh đến sự đa tính năng của chiếc điện thoại.

Dưới đây là một số khám phá thú vị của The Economist

Điện thoại di động ở các nước nhiệt đới thường nhỏ hơn so với các nước hàn đới.

Người Đức là một trong những quốc gia gọi di động ít nhất thế giới với thời gian trung bình của mỗi thuê bao chỉ là 89 phút mỗi tháng.

Ngược lại, trung bình một thuê bao di động ở Mỹ gọi tới 13 tiếng mỗi tháng nhưng chức vô địch lại thuộc về các thuê bao của Puerto Rico – một quốc gia nghèo ở Mỹ La tinh với trung bình 31,25 giờ gọi di động mỗi tháng.

Người dùng di động ở Madrid (Tây Ban Nha) và Paris có vẻ rất tự hào khi gọi điện thoại trên đường phố trong khi người London (Anh) lại thường tụ tập ở một số địa điểm nhất định để thực hiện các cuộc gọi.

Khi gọi điện di động để nói về các vấn đề riêng tư, người Paris thường không quan tâm đến “âm lượng” nên bạn đừng lạ khi thấy họ đứng giữa phố và “gào” lên qua điện thoại với nhau những câu chuyện rất riêng tư và tế nhị. Ngược lại, người London sẽ tìm đến một góc khuất nào đó để nói.

Người Tây Ban Nha rất ghét hộp thư thoại và họ coi việc không trả lời điện thoại của ai đó là một sự thô lỗ.

Người Nhật thường không khuyến khích việc sử dụng điện thoại di động ở những nơi công cộng, đặc biệt là trên tàu điện.

Người Trung Quốc rất “sẵn sàng” chấm dứt cuộc gọi đang dở dang để nhận một cuộc gọi khác.

Người Mỹ tỏ ra dễ dãi hơn so với các thuê bao di động của châu Âu về vấn đề vùng phủ sóng và thường “cam chịu” chất lượng dịch vụ kém chứ không đổi mạng.

Ở Bỉ, các nhà mạng rất ít khi trợ giá điện thoại cho thuê bao của mình nên những mẫu điện thoại rẻ tiền, “lỗi mốt” khá phổ biến ở nước này. Ngược lại, những mẫu “dế” cao cấp và đắt tiền lại rất phổ biến ở Anh bởi hầu hết các thuê bao đều được trợ giá thiết bị. Ở Italia, các nhà mạng có trợ giá nhưng rất ít nhưng người dùng nước này vẫn “khoái xài dế xịn” và sẵn lòng bỏ thêm tiền để mua điện thoại cao cấp mặc dù họ cũng ít khi gọi.

Ấn Độ là một trong những thị trường nhập khẩu nhiều điện thoại di động cũ nhất thế giới. Người dùng Ấn Độ rất hay có bao đeo để bao vệ chiếc điện thoại của mình. Tính năng được người Ấn ưa thích nhất và cũng là phổ biến nhất trên những chiếc điện thoại di động ở Ấn Độ là… đèn pin.

Ở những quốc gia vùng nhiệt đới, nơi mọi người ít mặc áo khoác nên điện thoại di động cũng nhỏ nhắn hơn so với các quốc gia miền hàn đới để dễ đút túi hơn.

Ở châu Âu, người Hy Lạp và Italia tỏ ra quan tâm nhất đến mức độ bức xạ phát ra từ những chiếc di động trong khi người Đức và Thụy Điển lại gần như thờ ơ với vấn đề này.