KTĐT - Kim ngạch xuất khẩu hiện đang giảm dần vai trò do lượng tiêu thụ nội địa trên đà tăng. MRG ước tính lượng tiêu thụ nội địa hiện chiếm 33% GDP và sẽ nhanh chóng tăng lên 50% trong vài năm tới.
Lý do khiến Trung Quốc vượt khủng hoảng dễ dàng là không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như thế giới từng nghĩ, và giá nhân công ở đây cũng không còn rẻ.
Quý 3 vừa rồi, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,9%, vượt nhiều nước phát triển khác. Paul Otellini, CEO của hãng Intel phải thốt lên: "Cảm ơn Chúa vì còn có Trung Quốc. Nhờ thị trường này, công ty chúng tôi đã vượt qua thời gian khó khăn". Tập đoàn thức ăn nhanh Yum! Brands, sở hữu những thương hiệu như KFC, cho biết một phần ba công việc kinh doanh của họ đang nằm ở Trung Quốc. Các hãng thời trang như Gap và Tiffany cũng mới tuyên bố kế hoạch mở rộng tại đây. Tuy nhiên, có nhiều điều thế giới vẫn đang lầm tưởng về thị trường châu Á này.
Một trong những lý do khiến Trung Quốc vượt khủng hoảng dễ dàng là họ không phụ thuộc nhiều vào thị trường ngoài nước như thế giới đã từng nghĩ. Tạp chí Forbes dẫn nhận định của chuyên gia Gordon Chang cho rằng kim ngạch xuất khẩu của nước này ít hơn con số 40% GDP mà họ từng tính toán. Hồi 2001 khi Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, xuất khẩu trở thành động lực chính và được chính phủ bật đèn xanh. Các công ty đổ xô xây nhà máy để phục vụ xuất khẩu, nhất là khi người dân nước này vẫn còn nghèo và không đủ tiền để mua tất cả hàng hóa sản xuất ra.
Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi chóng mặt ngay trước cuộc khủng hoảng. Tổ chức Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc (CMRG) ước tính trong năm 2008, xuất khẩu chỉ còn chiếm 20% nền kinh tế. Chính sách kinh tế mới cùng giá cả tăng vọt là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc hạn chế cấp phép cho những dự án gây ô nhiễm môi trường, tốn kém năng lượng. Nước này chuyển dịch dần thiên về nền kinh tế dịch vụ thay vì xuất khẩu. Các nhà máy sản xuất được đưa sang nước khác như Việt Nam, Sri Lanka hay Mexico, nơi vẫn đang chào đón nguồn vốn đầu tư, nhân công rẻ và giá đất thấp.
Kim ngạch xuất khẩu hiện đang giảm dần vai trò do lượng tiêu thụ nội địa trên đà tăng. MRG ước tính lượng tiêu thụ nội địa hiện chiếm 33% GDP và sẽ nhanh chóng tăng lên 50% trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn tiếp tục giữ nghĩ Trung Quốc có nguồn nhân công giá rẻ vô tận. Tuy nhiên, việc tuyển dụng người lao động trí thức ở Trung Quốc hiện khó khăn hơn nhiều. Họ không còn chấp nhận mức lương thấp, trong khi vẫn phải đi xa nhà, đến những khu công nghiệp tập trung như tỉnh Quảng Đông. Thay vào đó, họ có nhiều lựa chọn hơn ở ngay quê hương, nhờ gói kích cầu trị giá 586 tỷ USD quan tâm đến những vùng kinh tế khó khăn.
Các công ty đa quốc gia nay phải suy nghĩ lại về nguồn lao động giá rẻ Trung Quốc. Nhiều công ty chứng kiến hiện tượng 20% nhân lực ra đi mỗi năm. Công việc mơ ước của họ trở nên ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều người bỏ việc sẵn sàng bỏ việc dù lương không thấp, nếu họ không nhìn thấy con đường sự nghiệp rõ ràng.
Nhiều thanh niên Trung Quốc cũng không còn mặn mà làm việc cho các công ty nước ngoài. Họ không muốn làm việc cho Google khi Trung Quốc cũng có công cụ tìm kiếm riêng là Baidu.