Mặc dù tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp mới thấy được để có mức tăng trưởng 6,21% là một nỗ lực không nhỏ trong điều hành kinh tế vĩ mô làm cơ sở để kỳ vọng năm Đinh Dậu thực hiện được những mục tiêu cao hơn.
Mục tiêu tăng, nhưng thách thức không giảmNhìn tổng quát, nền kinh tế năm 2017 theo kế hoạch “đẹp” hơn, lạc quan hơn thực tế năm 2016. Tuy nhiên, thông qua mối quan hệ giữa các chỉ tiêu trong 2 năm giữa thực tế 2016 và kế hoạch 2017, thì việc thực hiện kế hoạch năm 2017 không dễ dàng. Trong khi tăng trưởng GDP kế hoạch năm 2017 là 6,7% (cao hơn thực tế 2016 là 6,215) thì vốn đầu tư/GDP lại thấp hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bội chi ngân sách/GDP cũng đòi hỏi thấp hơn, giảm tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP tiếp tục với tỷ lệ tương đương, nhưng khó hơn… Đi vào từng chỉ tiêu có thể thấy kết quả 2016 cụ thể hơn và việc thực hiện kế hoạch 2017 không dễ dàng ra sao?Tăng trưởng GDP, kỳ vọng năm 2017 để đạt được mức 6,7% được dàn đều ở cả 3 nhóm ngành. Trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản sau thời gian suy giảm, những tháng cuối năm 2016 đã ghi nhận mức tăng trưởng trở lại. Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng cao hơn tốc độ chung. Nhờ đó cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm, trong khi nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng. Nhờ GDP giá thực tế tăng cao hơn, dân số tăng thấp, tỷ giá VND/USD tăng không cao, GDP bình quân đầu người tính bằng USD năm 2017 dự báo có thể đạt 2.368 USD. Tổng GDP có thể đạt 205,5 tỷ USD và dự báo năm 2017 có thể cán mốc 222 tỷ USD.Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Samsung Việt |
Tuy nhiên, kế hoạch tăng trưởng 2017 thực hiện không dễ dàng khi các yếu tố tác động tăng trưởng đều được thắt chặt, như tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, lạm phát, bội chi ngân sách thấp xuống, xuất khẩu tăng chậm lại.
Vốn đầu tư năm 2016 được thu hút nhiều hơn thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn. Tỷ trọng vốn khu vực ngoài nhà nước lần đầu tiên vượt qua khu vực Nhà nước lên đứng đầu trong 3 nguồn chủ yếu do khởi nghiệp được tăng tốc với số DN đăng ký thành lập mới, DN quay trở lại hoạt động tăng mạnh, số DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy vốn đăng ký giảm, nhưng vốn thực hiện tăng và ước cả năm vượt kỷ lục đã đạt được trong năm 2016 (khoảng 24 tỷ USD). Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư giảm, thể hiện ở suất đầu tư tăng 5,1 lần (so với 4,9 lần trước đó) và cao hơn nhiều nước trên thế giới. Vốn đầu tư là yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng, trong khi kế hoạch 2017 tăng trưởng cao hơn, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp xuống. Điều đó đòi hỏi phải quyết liệt nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm suất đầu tư tăng trưởng từ 5,1 lần năm 2016 xuống còn 4,7 lần như kế hoạch 2017 đề ra. Yêu cầu này đòi hỏi phải làm tốt từ khâu quy hoạch tránh phân tán dàn trải, tránh xin - cho, đẩy nhanh thi công, giảm thiểu lãng phí, thất thoát... đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa, đầu tư ngoài ngành, đẩy mạnh khởi nghiệp để tăng tỷ trọng vốn của khu vực ngoài Nhà nước do hiệu quả đầu tư cao với suất đầu tư tăng trưởng chỉ bằng một nửa của khu vực Nhà nước.Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một trong những chỉ số quan trọng đánh giá mức độ lạm phát, năm 2016 có mức tăng 4,74%, thấp hơn mức Quốc hội đề ra (5%) được coi là hợp lý. Kết quả này không hoàn toàn do yếu tố tài chính - tiền tệ, mà có phần quan trọng do thực hiện lộ trình giá thị trường (do năm trước chưa có điều kiện thực hiện). Đạt được kết quả trên do nhiều yếu tố. Có yếu tố do giá cả thế giới tính bằng USD tiếp tục giảm, trong khi tỷ giá VND/USD vẫn còn giảm, làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND giảm. Có yếu tố do lãi suất gửi tiết kiệm ở mức cao hơn lạm phát, sau nhiều tháng đạt “thực dương”, nên tăng trưởng tiền gửi cao hơn tăng trưởng tín dụng, giúp hút tiền từ lưu thông về ngân hàng thương mại. Có yếu tố quan trọng do chuyển đổi tư duy điều hành từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”...Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu lạm phát năm 2017 đề ra (4%) thấp hơn năm 2016 sẽ không dễ dàng, khi mục tiêu tăng trưởng cao hơn; lương tối thiểu tăng vào giữa năm; dự báo nhập siêu trở lại khi giá USD có xu hướng tăng cao hơn trên thế giới và trong nước trong khi hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp...Cơ cấu xuất khẩu, ngân sách buộc phải có những đổi mớiNhờ GDP giá thực tế tăng cao hơn, dân số tăng thấp, tỷ giá VND/USD tăng không cao, GDP bình quân đầu người tính bằng USD năm 2017 dự báo có thể đạt 2.368 USD. Tổng GDP có thể đạt 205,5 tỷ USD và dự báo năm 2017 có thể cán mốc 222 tỷ USD. |
Tăng trưởng xuất khẩu 2016 đạt được một số kết quả tích cực. Tăng trưởng dương đạt được khi nhiều nước tăng trưởng âm. Khu vực kinh tế trong nước đã tăng trở lại (4%). Xuất khẩu/GDP tiếp tục tăng lên (84,8%) và thuộc loại cao trên thế giới. Có 25 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 20 tỷ USD, một mặt hàng vượt qua mốc 30 tỷ USD; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tỷ trọng hàng thô hoặc mới sơ chế giảm, tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tiếp tục tăng lên. Xuất khẩu bình quân đầu người đạt 1.880 USD, cao hơn năm trước. Hoa Kỳ là thị trường Việt Nam xuất siêu lớn nhất và tăng cao so với năm trước. Trong khi Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất, nhưng nhập siêu đã giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu 2016 tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra. Cơ cấu xuất khẩu vẫn còn mang nặng tính gia công, lắp ráp, nhập siêu đang trở lại, tác động đến cán cân thanh toán, sự tăng lên của tỷ giá (tháng 10, tháng 11 đã nhập siêu 845 triệu USD)... Đây cũng là cảnh báo về xuất khẩu năm 2017. Phải chăng vì thế nên kế hoạch tăng trưởng GDP cao hơn, nhưng tốc độ tăng xuất khẩu theo kế hoạch lại thấp hơn năm 2016; nhập siêu trở lại với quy mô tính ra khoảng 5,6 tỷ USD.
Ngân sách năm 2016 đạt được một số kết quả tích cực. Tổng thu vượt dự toán và tăng so với năm trước trong điều kiện thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu, thu từ DN nhà nước không đạt dự toán và giảm so với năm trước. Thu nội địa và một số khoản thu trong thu nội địa đã vượt dự toán và tăng khá so với năm trước. Bội chi ngân sách được bù đắp chủ yếu bằng vay trong nước và nước ngoài (tuy có làm cho tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tăng lên), chứ không phải bằng phát hành tiền, nên không trực tiếp, tức thời gây ra lạm phát cao.Tuy nhiên, các tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP vượt dự toán, các tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tăng lên và ở mức cao, có loại đã phải nới trần. Bội chi ngân sách/GDP theo kế hoạch 2017 thấp hơn năm trước, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp thực hiện, nhất là thu đúng, thu đủ, chống trốn lậu thuế, nợ đọng thuế, tiết kiệm chi ngân sách, giảm giá thành, giảm chi phí năng lượng/GDP..., mới có thể thực hiện được kỳ vọng trên.Năm 2017 còn cả một chặng đường dài phía trước, kỳ vọng năm Đinh Dậu sẽ tăng trưởng cao hơn, kinh tế vĩ mô ổn định hơn.