Điều ấy đã tạo ra khoảng cách ngày càng xa giữa các thành viên trong gia đình và những đứa trẻ phải sống trong ngôi nhà không bình yên, nơi bố mẹ chỉ mải mê với chuyện kiếm tiền, bỏ mặc con cái, không quan tâm, chăm sóc. Đó cũng là lý do chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay - "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" nhận được nhiều sự quan tâm.
Nỗi buồn đến từ sự thiếu gắn kết
Hiện nay, rất nhiều gia đình chỉ có vài người nhưng cả ngày cũng không đủ thời gian để ăn với nhau một bữa cơm. Con cái đi học, cha mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, thành thử bữa cơm tụ họp cứ thưa thớt dần. Cùng với đó, không gian riêng ngày càng nhiều cũng khiến mỗi người lại bận rộn với việc cá nhân. Dần dà, tất cả những điều này làm cho thời gian dành cho nhau ít đi và sự giao lưu, trao đổi, sẻ chia cũng nhạt dần. Theo thống kê từ một cuộc hội thảo về hôn nhân và gia đình, hiện nay, ở nước ta bình quân mỗi năm có từ 50.000 - 70.000 vụ ly hôn, trong số đó có tới 70% là các cặp vợ chồng trẻ ở độ tuổi 20 - 30. Và từ đây, mỗi năm có chừng 50.000 trẻ đang tuổi ăn, học bị "đẩy ra ngoài" tổ ấm gia đình, buộc phải tự xoay sở, thậm chí là tự lập trước cuộc đời.
Thực tế, trong cuộc sống gấp gáp của xã hội hôm nay, cũng khó tránh được việc người lớn cố gắng công sức để tạo dựng sự nghiệp, những mong cho con cái có được cuộc sống vật chất dư thừa, nhưng họ lại quên cuộc sống tinh thần của con mình. Và cũng chính việc nhiều trẻ do không được cha mẹ quan tâm, giáo dục nên đành làm bạn với game, thích sống "ảo" hơn sống thực… Cùng với đó, một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý cũng cho thấy, hơn 35% số trẻ được điều tra (từ 8 - 14 tuổi) có biểu hiện và hành vi lo lắng, bi quan trước cuộc sống. Đây là một cảnh báo, bởi sống với tâm trạng buồn chán kéo dài sẽ làm méo mó nhân cách hình thành sau này. Tuy nhiên, một điều đáng băn khoăn là hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, đây là chuyện không có gì đáng lo nghĩ.
Đừng biện minh
Lý giải cho sự bỏ mặc con cái, nhiều phụ huynh cho rằng, vì muốn cho con tất cả những gì mà tuổi thơ họ mong muốn về vật chất. Nhưng thực tế không hẳn vậy, vì những đứa trẻ ấy hoàn toàn lạc lõng, đơn độc trong chính gia đình mình. Ngày càng có nhiều trẻ bước vào tuổi vị thành niên "phàn nàn" về việc bố mẹ mình quá mải mê kiếm tiền, bỏ mặc con muốn làm gì làm. Như một người con đã tâm sự: Bố mẹ chỉ biết đi làm từ sáng đến tối, kiếm thật nhiều tiền. Sự im lặng lâu ngày biến em thành một con người khác. Ở trường, em ít bạn. Rồi em đến với những người bạn học kém, mải chơi, bởi họ làm cho cuộc sống trầm lặng bấy lâu của em khuấy động. Em bắt đầu lao vào những cuộc ăn chơi, yêu đương sớm mà bố mẹ không hay biết, dù biết rằng những trò ấy thật chán ghét, nhưng em còn biết làm gì khi cuộc sống vô nghĩa, bởi bố mẹ em thờ ơ quá, lạnh lùng quá.
Một người đàn ông từng tỏ ra rất đau khổ khi cậu quý tử chưa đầy 15 tuổi của mình bị bắt vì tội cướp giật. Ông đã không thể lý giải tại sao con ông, một cậu bé ngoan, không thiếu một thứ gì lại bị như vậy. Nhưng vì bị bố mẹ bỏ mặc ở nhà với người giúp việc, cậu được các bạn rủ đi đua xe, em thấy vui quá. Rồi từ đua xe, cậu tham gia cướp cho vui chứ không phải vì cần tiền.
Người lớn thường an ủi nhau "phải đối mặt với thực tế và vượt qua khó khăn bằng khả năng của chính mình!", nhưng những đứa trẻ non nớt không được sống trong tình yêu thương, không nhận được sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ thì khó có thể trở thành những đứa trẻ ngoan và trưởng thành thực sự. Lãnh đạo Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã không ít lần khuyến cáo, phương pháp giáo dục của nhiều bậc phụ huynh hiện nay có vấn đề, khi ít quan tâm, chia sẻ suy nghĩ của trẻ. Không ít người mải mê kiếm tiền, giao phó việc chăm sóc con cho người giúp việc, vô tình làm khoảng cách tình cảm với con ngày càng xa mà không biết. Những cách giáo dục như vậy đều không đúng, dễ dẫn đến việc trẻ bị các sang chấn tâm lý, lâu dần gây ra những rối loạn về sức khỏe tâm thần. Điều này còn đe dọa đến tính bền vững của mỗi gia đình khi không có được sự ấm áp - nền tảng cần thiết để níu giữ, gắn kết không còn. Và rồi, một "bữa cơm gia đình ấp áp yêu thương" liệu đã đủ kéo mọi người lại gần nhau nếu chính người lớn không thay đổi cách sống, để những đứa trẻ không cảm thấy như "mồ côi" dù còn cả bố và mẹ.