Trong số cả chục nghìn phạm nhân hiện đang cải tạo tại các trại giam trong cả nước, có không ít cô gái trẻ xinh đẹp. Tuổi trẻ nông nổi và bồng bột, rồi chính quãng thời gian đẹp nhất của đời người của họ lại trôi đi trong trại giam.
Điều đó không khỏi khiến người ta xót xa, song may thay, các cô còn muốn hoàn lương tìm một con đường trở về làm lại cuộc đời.
Những người thể hiện nỗi xót xa mà tôi được chứng kiến rõ nhất là các nhà văn, khi họ vào thăm trại giam. Những phạm nhân, những cô gái chúng tôi gặp đều có một ấn tượng nào đó. Họ có hoàn cảnh của họ, có một cú vấp ngã và đang rất cần tạo điều kiện để hoàn lương.
Nhà văn Võ Bá Cường (quê ở Thái Bình) chia sẻ: “Nếu không sa ngã, biết đâu các cô gái này có thể lấy một tấm chồng tốt, có người học hành tử tế, làm người có ích cho xã hội”.
Nhà văn cũng ấn tượng với Đinh Thị Quỳnh Dung đang cải tạo trong Trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa). Sắc sảo và xinh đẹp, chỉ vì muốn tự lập, Dung bỏ gia đình đi làm thuê khi mới 13 tuổi. “Mờ mắt” trước cuộc sống giàu sang, chẳng bao lâu Dung dấn thân vào giới giang hồ, tham gia buôn ma túy, bị bắt và kết án 10 năm tù giam.
“Lương làm thuê bèo bọt quá, chẳng đủ trang trải cuộc sống. Mà em lại thích có nhiều tiền. Em yêu sớm lắm, toàn tình yêu “bọ xít” thôi. Buông tuồng, dễ dãi. Thích thì cho, không thích thì thôi…”, Dung thản nhiên thú nhận.
Nghe chuyện của cô, mới thấy hết sự cá tính, lọc lõi sau những năm tháng “tung hoành giang hồ”. Với Dung, chuyện đi đêm, dạt nhà chỉ là…chuyện nhỏ. Sau những ngày dấn thân, Dung được các đàn anh, đàn chị cưu mang, dạy dỗ cách kiếm tiền.
Thân gái nhưng số má chẳng kém bọn con trai. Không ít lần va chạm, Dung chủ động ra tay, xông vào đấm đá túi bụi. Hễ ai bắt nạt, chỉ cần cô em “a-lô” là được trợ giúp. Từ 2006, nhóm của Dung đã “quậy” nhiều nơi, trở nên nổi tiếng trong giới ăn chơi ở các sàn nhảy, vũ trường.
Những đêm nhảy nhót, say ma túy khiến cô quên hết mọi thứ, ngay cả tổ ấm của mình. Người yêu cuối cùng của Dung là phạm nhân tên Quang, bị “tóm” cùng thời điểm, đang “bóc lịch” ở cùng trại. Quang đi mua ma túy rồi về chia cho Dung và đồng bọn đi bán kiếm tiền ăn chơi, đi sàn nhảy. Dung lĩnh án 10 năm, còn người yêu mức án gấp đôi vì là chủ mưu.
Cũng mải mê dấn thân giới giang hồ như Dung, giờ đây Lê Thị Hằng phải sống những ngày cải tạo đằng đẵng trong Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Hoàn cảnh của Hằng rất éo le, ngay từ khi cô còn nhỏ, tai nạn giao thông đã cướp đi cả bố lẫn mẹ. Người cậu ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã đón đứa cháu bé bỏng về nuôi.
Khi Hằng bước sang tuổi 14 cũng là lúc người cậu phải bận rộn với những chuyến công tác dài ngày, không có nhiều thời gian trông nom cháu. Học hết lớp 9, Hằng bị bạn bè dụ dỗ nên cô đã bỏ học, chuyển đến ở với một “bà chị giang hồ”.
Từ đó, cô sống trong ảo giác của vũ trường, đi đến đâu cũng có hàng tá đám “trẻ trâu” vây quanh. Dáng cao, da trắng, mắt đẹp, lại biết cách ăn mặc, Hằng nhanh chóng trở thành trung tâm của sự chú ý. Gặp phải sự phản đối của cậu, Hằng không về nhà cậu nhà nữa mà đi bụi, sống lang thang trong nhà nghỉ cùng đám bạn chơi bời.
Rượu Tây, ma túy, thuốc lắc… đều là “chuyện nhỏ” với nhóm. Có khi muốn đổi gió, nhóm Hằng bắt taxi sang Hải Phòng hoặc ra Cửa Ông chơi vài ngày. Tiếp đó, Hằng theo các chị đi mua thuốc lắc từ Hải Phòng về đất mỏ, bán kiếm lời. Gần 200 viên thuốc lắc đã chôn tuổi thanh xuân của cô trong chốn lao tù. Khi bị bắt, cô chưa tròn 16 tuổi.
Đường về không xa
Cách đây chừng 2 năm, My “sói” (tên thật là Đào Thu Hương, trú tại phố Trương Định, Hà Nội) gây xôn xao vì những hành vi cướp của, lừa, ép những cô gái trẻ bán dâm. Cô là một điển hình của bi kịch tan vỡ gia đình, sớm sa ngã, nghiện Internet, sa chân vào chốn giang hồ.
Và từ các mối quan hệ này, My đã có một số anh chị và cả em gái xã hội. Sự cô đơn, tiền bạc đã làm tâm hồn cô dần trở nên lạnh lùng, bỏ đi hoang, hành động dại dột và cùng với đồng bọn “chung tay làm điều ác”.
Trước đây My từng là một em bé ngoan và được nhiều người quý mến. Vì những đỗ vỡ của bố mẹ và khi ông bà nội - hai người mà cô yêu quý nhất cùng mất (chỉ cách nhau mấy ngày), bỏ cô một mình khiến cô bị sốc mới dẫn đến hư hỏng.
Trước khi bị bắt, cũng là khoảng thời gian My “đốt” mình cho những đêm ăn chơi thâu đêm. Trong thời gian xử án, cô bớt thức đêm hơn, ăn mặc tử tế hơn, mọi người thấy cô như lột xác, sở hữu một khuôn mặt sáng, hồn nhiên, ưa nhìn.
Đặc biệt, cô đã biết khóc, ân hận và biết sợ. My hứa sẽ cải tạo tốt, rồi sau này trở về với cuộc sống tự do, sẽ tìm một công việc lương thiện để làm.
Cô gái Đinh Thị Quỳnh Dung cũng có giây phút yếu lòng, khóc nấc vì… tiếc tuổi xuân. “Vào đây rồi mới thấy cuộc sống tự do đáng quý biết bao. Chúng em đã quậy ngoài xã hội nhiều rồi, cần phải tỉnh ngộ thôi. Qua đây em muốn nói lời xin lỗi bố mẹ và mong các cô gái như em đừng phạm tội. Sau này nếu được trở về, em cũng mong có chồng, có công việc lương thiện”.
Đường về không xa, những cô gái trẻ đều có cơ hội làm lại cuộc đời, bởi phần đời phía trước họ còn rất dài. Đó là lời khẳng định chí lý của nhiều người đến thăm trại giam, trong đó có các nhà văn đi tìm hiểu thực tế. Mừng vì các cô gái đã biết tỉnh ngộ, vui vì họ nhận ra giá trị của mình, nhận ra mình vẫn còn nhan sắc, sức khỏe, vẫn còn có thể sống và có tương lai.