KTĐT - “Khó khăn tài chính của Dubai không dẫn đến khủng hoảng mới”, đó là nhận định của giới phân tích về sự kiện Dubai World xin khất nợ gần 60 tỷ USD.
Việc Dubai ngày 25/11 vừa qua xin hoãn trả nợ hàng chục tỷ USD đã làm rung động toàn cầu, trong bối cảnh mà nền kinh tế thế giới chỉ mới gượng dậy từ cuộc khủng hoảng tài chính. Ngày 27/11, các thị trường chứng khoán tụt dốc do lo ngại về nguy cơ Dubai bị vỡ nợ, nhưng với mức độ phản ứng khác nhau. Các thị trường châu Âu và Mỹ không rơi vào hoảng loạn, trong khi các thị trường châu Á tuột dốc. Đóng cửa ngày 26/11, thị trường Wall Street mới cho thấy tác động của sự kiện Dubai, với việc chỉ số Dow Jones mất 1,48% điểm. Nhưng cũng trong ngày 27, tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40, sau khi sụt 3,41% trong ngày 26, đã lấy lại 1,15% điểm và các thị trường khác của châu Âu cũng tăng trở lại.
Lý do là vì các nhà đầu tư nay nhận thấy các ngân hàng thật ra không bị ảnh hưởng nhiều bởi những khó khăn tài chính của Dubai. Trong khi đó, toàn bộ các thị trường chứng khoán châu Á đều sụt giảm rất mạnh, nhưng đó là bởi vì ngoài chuyện của Dubai, các nhà đầu tư còn lo ngại về hậu quả của việc đồng Yên (Nhật Bản) tăng giá quá mạnh so với USD.
Ít nguồn lợi từ dầu mỏ, nhưng lại bỏ ra hàng mấy chục tỷ USD để xây dựng đủ mọi công trình xây dựng bất động sản phá nhiều kỷ lục thế giới, Dubai trong một thời gian dài đã được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhưng nay ai cũng thấy là quốc gia này đang"nợ như chúa chổm". Tổng số nợ của Dubai lên tới 80 tỷ USD, trong đó 59 tỷ USD là nợ của tập đoàn Dubai World, mà nước này xin hoãn 6 tháng để trả.
Nguy cơ Dubai bị vỡ nợ khiến mọi người nhớ đến sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vào mùa Thu năm ngoái. Liệu kịch bản Lehman Brothers có sẽ tái diễn? Đa số các nhà phân tích không tin điều đó. Theo họ, những khó khăn tài chính của Dubai sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới.
Thứ nhất, sẽ không xảy ra hiệu ứng domino ở vùng Vịnh, bởi lẽ các nước khác như Saudi Arabia, Abou Dhabi và Qatar không bị những vấn đề về tín dụng như Dubai. Hơn nữa, Abou Dhabi sẽ không bỏ rơi người láng giềng của mình, mà sẽ tung tiền ra để cứu vớt Dubai.
Về mức thiệt hại đối với các ngân hàng lớn của quốc tế hiện chưa biết là bao nhiêu, nhưng chắc là chỉ vào khoảng vài chục tỷ USD, chủ yếu là thiệt hại đối với các ngân hàng vùng Vịnh, vốn tham gia rất nhiều vào dự án Dubai World. Số tiền này chẳng thấm vào đầu so với con số hàng ngàn tỷ USD mà các ngân hàng châu Âu và Mỹ phải gánh chịu do hậu quả của khủng hoảng tín dụng địa ốc thứ cấp và khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy đa số các nhà phân tích tuy không thật sự lo ngại, nhưng tỏ ra thận trọng, chờ xem tình hình diễn tiến đến đâu. Theo họ, sự kiện Dubai nhắc nhở mọi người rằng tình trạng sức khỏe của tài chính toàn cầu chưa trở lại bình thường. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo chính trị thì ra sức trấn an rằng nền kinh tế thế giới nay đã đủ vững chắc để chống đỡ với nguy cơ xuất phát từ vụ vỡ nợ của Dubai.