Những kẽ hở trong quản lý bán hàng đa cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty Liên Kết Việt lừa đảo hơn 60.000 nạn nhân, nhưng không bị công khai vi phạm khi cơ quan quản lý xử phạt trước đó.

Hàng loạt vụ án liên quan đến bán hàng đa cấp (BHĐC) lừa đảo đã phơi bày những bất cập, kẽ hở trong việc quản lý mô hình kinh doanh này. Cơ quan quản lý cần làm gì để trám lại lỗ hổng trong BHĐC?

Cần công khai thông tin xử lý DN vi phạm

Khi "quả bóng đa cấp" Liên Kết Việt "phát nổ", lừa đảo hơn 60.000 người dân, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới phát đi thông cáo báo chí cho biết đã xử phạt hành chính DN này từ hồi tháng 11/2015, nhưng không một phương tiện thông tin đại chúng nào được biết trước đó.
Công ty Liên Kết Việt lừa đảo hơn 60.000 nạn nhân, nhưng không bị công khai vi phạm khi cơ quan quản lý xử phạt trước đó.
Kinhtedothi - Công ty Liên Kết Việt lừa đảo hơn 60.000 nạn nhân, nhưng không bị công khai vi phạm khi cơ quan quản lý xử phạt trước đó.
Ngoài Liên Kết Việt, Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (Thăng Long Group) từng bị các cơ quan quản lý xử lý vi phạm. Cụ thể, tháng 3/2015, Sở Công Thương Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và ban hành quyết định xử lý vi phạm đối DN này. Cuối tháng 7/2015, Sở Công Thương đã có văn bản gửi Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị xem xét, xử lý vi phạm của Thăng Long Group đối với hành vi “Thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thông báo đến Sở Công Thương, nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo theo quy định của pháp luật”.

Kết luận kiểm tra từ tháng 11/2015 của Cục Quản lý cạnh tranh đã nêu ra hàng loạt vi phạm của Thăng Long Group. DN này bị phạt hành chính 202 triệu đồng. Tuy nhiên, tương tự như Liên Kết Việt, các vi phạm này của Thăng Long Group chưa được công khai. Trong khi đó, theo các chuyên gia luật, cơ quan quản lý phải giám sát từ đầu để ngăn ngừa; đồng thời cần công khai thông tin xử lý DN vi phạm.

Qua mặt cơ quan quản lý?

Khi ông Nguyễn Mạnh Sơn (trú tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tố cáo các chiêu lừa đảo trong BHĐC của Thăng Long Group tới cơ quan chức năng, ông lại trở thành nạn nhân bị đường dây đa cấp tố cáo, công an triệu tập để làm rõ việc vay tiền giữa ông với đường dây BHĐC. Cùng một vụ việc, cơ quan công an, cơ quan quản lý (Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương Hà Nội) và các chuyên gia luật lại có cách nhìn nhận, đánh giá sự việc khác nhau.

Ngày 29/3/2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh trả lời rằng, sự việc giữa ông Sơn và Thăng Long Group không có dấu hiệu của vụ án hình sự. Vụ việc trên thuộc quan hệ tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Tòa án.

Ngày 8/4/2016, Sở Công Thương Hà Nội có thông báo trả lời đơn của ông Sơn. Theo đó, Thăng Long Group từ chối mua lại hàng hóa của ông Sơn với lý do “Công ty chỉ mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày người tham gia ký hợp đồng” là không phù hợp với quy định tại Điều 7 Hợp đồng BHĐC đã được ký kết giữa các bên và quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 26, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, căn cứ vào thời điểm tiếp nhận đơn của ông Sơn, thì việc DN từ chối mua lại hàng hóa là đúng với thỏa thuận giữa các bên ghi tại Điều 7 Hợp đồng.

Trong khi đó, ngày 11/4/2016, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh đã làm việc với chị Nguyễn Phương Liên (con gái ông Sơn), tập trung làm rõ các nội dung trong đơn tố cáo vi phạm BHĐC của Thăng Long Group. Theo biên bản làm việc giữa chị Liên và đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, chị Liên thông tin, ông Sơn chưa nhận bất kỳ hàng hóa, hoa hồng hay khoản tiền nào từ phía Thăng Long Group. Tuy nhiên, DN này luôn khẳng định ông Sơn đã nhận đủ hàng hóa, đủ hoa hồng. “Công ty khăng khăng tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, tại sao lại chịu thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cho bố tôi? Nếu bố tôi đã nhận hàng và đã quá 30 ngày kể từ ngày nhận hàng theo quy định, tại sao Công ty vẫn giải quyết yêu cầu trả lại tiền” – chị Liên đặt vấn đề.

Kẽ hở pháp luật

Căn cứ theo Điều 48 của Luật Cạnh tranh và Điều 5 của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các chuyên gia luật đã chỉ ra Thăng Long Group vi phạm nhiều quy định cấm DN thực hiện nhằm thu lợi bất chính như: Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu; Cản trở người tham gia BHĐC trả lại hàng hóa theo quy định tại Điều 26, Nghị định 42/2014/NĐ-CP; Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới BHĐC... Tuy nhiên, với sự xảo quyệt của mình, DN này đã “qua mặt” được các cơ quan công an, cơ quan quản lý.

Để xử lý hành vi BHĐC bất chính, các chuyên gia luật đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và địa phương. Đồng thời, bố trí nguồn lực đủ sức để xử lý hiệu quả các vi phạm trong hoạt động BHĐC. Tuy nhiên, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận, lực lượng cán bộ của Sở chuyên trách về đa cấp còn mỏng, chỉ có vài người, trong khi các công ty BHĐC “nở rộ” khắp nơi.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, hành vi BHĐC bất chính gây nguy hại không chỉ cho các DN kinh doanh chân chính mà còn gây thiệt hại tới người tiêu dùng và trật tự quản lý kinh tế trong xã hội. Việc xử lý hình sự đối với hành vi này là hết sức cần thiết nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Nếu phát hiện DN BHĐC có dấu hiệu lừa đảo, bạn đọc có thể phản ánh tới địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa,  Hà Nội. Điện thoại: 04.37760368; Email: bandoc@ktdt.com.vn