Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những “ngân hàng” không cần trụ sở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chị Đinh Thị Liên, một “con xơng” mới vào nghề, cho biết: “Làm nghề này phải kiên trì, phải tạo sự thân thiện với khách hàng mới “bán được tiền"."

KTĐT - Chị Đinh Thị Liên, một “con xơng” mới vào nghề, cho biết: “Làm nghề này phải kiên trì, phải tạo sự thân thiện với khách hàng mới “bán được tiền”, có hôm tôi theo chân một du khách như một hướng dẫn viên du lịch, thậm chí phải làm nghề xe ôm để chở anh ta đi mấy địa điểm ở Lao Bảo mới mời được anh ta đổi tiền”.

Từ khi thành lập khu thương mại đặc biệt Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị), khi lượng khách-hàng lưu chuyển qua cửa khẩu ngày càng nhiều, cũng là lúc nơi này xuất hiện một nghề có cái tên rất lạ, có một không hai: nghề đi xơng!

“Con xơng”

Dân địa phương dùng danh từ đó để chỉ các cô, các chị tay mang túi xách, mặt đeo khẩu trang, thường tụ tập ở hai bên cánh gà cửa khẩu, bến xe để chào mời khách du lịch, khách quá cảnh sang Lào. “Hàng hoá” của họ ở đây là ngoại tệ: Kíp Lào, Baht Thái Lan, Dola Mỹ, thậm chí cả Nhân dân tệ của Trung Quốc, Dola Singapo với mệnh giá thấp bán làm lưu niệm cho khách. Đội quân này có đến cả trăm người, họ có chung một mục tiêu là “mua chín bán mười”.

Khi những chiếc xe du lịch vừa kịp dừng là họ lao lên xe mời chào: “Đổi ngoại tệ anh ơi, sang Lào phải dùng tiền Kíp mới mua hàng được”. Cứ thế, họ níu kéo, kỳ nài để du khách phải xuôi lòng mà mua ngoại tệ.

Có một điều dường như đã thành luật bất thành văn của những người làm nghề này là giá cả ngoại tệ so với tiền Việt được thống nhất trong ngày, tuyệt đối không một ai phá giá để giành khách của người khác. Mức giá này sáng sớm được quyết bởi tỷ giá giao dịch ở các đầu nậu bên chợ Karol (huyện Sepôn, Lào). Nếu ai hạ giá để giật khách, hôm sau người đó sẽ bị “cô lập” hoặc bị loại khỏi nhóm. Chính vì luật “buôn có bạn, bán có phường” này nên hành khách đổi ngoại tệ hay bị ép giá, xong xuôi lợi nhuận chia đều cho cả nhóm.

Nhiều du khách khi đến đây, xuống xe là bị vây bủa bởi đội quân này. Đổi tiền xong, qua Lào mua sắm mới biết ít nhiều bị “hớ” và ngậm ngùi tiếc rẻ.

Chị Đinh Thị Liên, một “con xơng” mới vào nghề, cho biết: “Làm nghề này phải kiên trì, phải tạo sự thân thiện với khách hàng mới “bán được tiền”, có hôm tôi theo chân một du khách như một hướng dẫn viên du lịch, thậm chí phải làm nghề xe ôm để chở anh ta đi mấy địa điểm ở Lao Bảo mới mời được anh ta đổi tiền”.

Chị Liên còn cho biết thêm, hiện nay du khách rất chuộng ngoại tệ có mệnh giá thấp, còn mới để tặng bạn bè làm lưu niệm. Riêng khoản bán tiền lưu niệm này cũng mang lại cho chị khoảng 50 ngàn đồng mỗi ngày.
 
Tôi hỏi chị tiền Lào chị thu mua ở đâu, chị bảo mua tiền Lào ở chợ Karol, vì ở đây lượng người Việt kinh doanh rất lớn. Ngoài ra các chị mua ở chợ Lao Bảo, nơi có một lượng tiền Lào khá lớn bởi các cư dân Lào sang đây mua sắm.

Chị Phương người Huế, lên lập nghiệp ở Lao Bảo và cũng khá lên từ nghề “đi xơng”, cho hay: “Một ngày may mắn chúng tôi cũng kiếm được trên 150 ngàn, nhưng cũng vất vả lắm, đi bộ giữa nắng mưa cả ngày, phải chầu chực, gặp được khách “hào phóng” thì may, còn những khách “tây ba lô” thì khó lắm. Đang mùa Seagames ở bên Lào nên mấy bữa nay chúng tôi kiếm ăn cũng khá”.

Những “ngân hàng” không cần trụ sở

Nằm sát cửa khẩu Lao Bảo là phòng giao dịch của ngân hàng Agribank. Tuy nhiên cái trụ sở chễm chệ này không cạnh tranh nổi với những “ngân hàng” rất cơ động là những “con xơng”. Theo quan sát của chúng tôi, lượng khách đổi ngoại tệ ở phòng giao dịch của ngân hàng rất ít, chủ yếu họ trao đổi với “con xơng” vì linh động và có thể tìm gặp “mọi lúc, mọi nơi”, không cần đi xa, ngồi trên xe cũng có thể đổi được tiền.

Mỗi ngày các “con xơng” tập trung thành từng nhóm và phân chia từng địa bàn riêng. Có nhóm ở cây xăng dầu Lao Bảo, nơi đầy những tuyến xe liên vận từ các thành phố của Việt Nam đi Pakse, Vienchăn, Khămmuộn hay Sanvanakhet của Lào sẽ ghé vào đổ xăng. Những chiếc xe này đi theo tuyến cố định và ngày nào cũng có nên đây là “khách hàng trung thành” của họ. Ngoài ra có những nhóm khác “tá túc” ở hai bên cánh gà cửa khu cửa khẩu, một “đội quân” lớn hơn tập trung ở cửa khẩu nước Lào. Họ đi về giữa hai nước Việt - Lào như đi chợ.

Anh Chiến, cán bộ gác cổng ở cửa khẩu Lao Bảo, cho hay: “Sáng sớm họ đã vượt khẩu sang tập trung ở trạm Hải quan Lào để tìm khách, chiều tối họ mới về. Do ngày nào cũng gặp nhau, quen biết nên chúng tôi không làm giấy xuất cảnh cho họ, họ đi Lào như đi chợ vậy”.

Dọc theo con đường 9 sát cửa khẩu, nơi có lượng xe đậu chờ làm thủ tục Hải quan, có một dãy quán được dựng liêu xiêu bên đường, những “con xơng” ngồi chờ khách trong trang phục rất dễ nhận dạng. Vừa thấy tôi nháo nhác, các chị đã nhốn nháo: “Đổi tiền anh ơi”. Tôi im lặng đưa máy ảnh lên chụp, tất cả quay mặt đi, một chị còn lên tiếng: “Không đổi tiền không được chụp ảnh”…

Theo chị Bê - người hành nghề “đi xơng” hơn 10 năm nay ở Lao Bảo: “Mỗi ngày chúng tôi phải đi bộ và nói nhiều lắm, làm cái nghề này không có cái miệng dẻo thì khó mà kiếm ăn được. Ở Lao Bảo nhiều người giàu lên nhờ đổi ngoại tệ, họ có khách hàng đổi với số lượng lớn là các đại gia gỗ, thạch cao”. Chị còn cho biết thêm: “Tui đang học cấp tốc tiếng Anh để hỗ trợ công việc, ai nói tiếng Anh giỏi sẽ lợi thế hơn vì ở đây khách du lịch nước ngoài cũng khá nhiều”.

Con đường bụi đỏ cuồn cuộn bởi những chiếc xe xuyên biên giới. Xe đến họ hồ hởi chào mời, xe đi họ lấy máy ra nhẩm tính xem đổi giá đó lời được bao nhiêu và xóc lại túi tiền, đợi những chiếc xe sau.