Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Những ngày văn hóa Tây Nguyên" tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đội cồng chiêng làng Yun của dân tộc Bahnar, thuộc xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ được chọn đại diện cho các dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai tham gia "Những ngày văn hóa Tây Nguyên" diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28/8 đến ngày 2/9/2012.

Đây là dịp để cho những chàng trai, cô gái Bahnar mang văn hóa truyền thống của đồng bào mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đội cồng chiêng làng Yun gồm 30 thành viên - những chàng trai, cô gái Bahnar khỏe mạnh và thông minh, nhiệt huyết với bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Bà H'Duyên - Trưởng phòng Văn hóa huyện Đăk Pơ cho biết đội sẽ ra mắt trong buổi lễ khai mạc ngày Hội văn hóa Tây Nguyên bằng màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc Bahnar như sáo, đàn T'rưng, đàn Goong và một số loại đạo cụ khác, tiếp đến là lễ phục dựng Nhà rông cổ truyền của người Bahnar với đầy đủ nghi lễ như vật hiến tế, cây neo cao vút được dựng trước nhà rông và biểu diễn cồng chiêng cùng nhịp điệu múa xoang, với những bài hát ca ngợi quê hương đất nước, mừng được mùa lúa, mùa ngô...
 
"Những ngày văn hóa Tây Nguyên" tại Hà Nội - Ảnh 1
Vẻ đẹp của phụ nữ Bahnar trong những vòng xoang. (Nguồn: Báo Gia Lai)

Để tạo sức hút lớn trong những ngày văn hóa Tây Nguyên, đội cồng chiêng làng Yun đã chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Ban ngày, họ lao động sản xuất bình thường, còn buổi tối thì trai gái tập trung trước nhà rông của làng để tập luyện cách đánh chiêng và múa xoang theo nhịp điệu của từng bài hát, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong làng. Các thành viên trong đội say mê tập cho đến tận khuya.

Ngoài chuyện tập luyện, làng Yun cũng đã chuẩn bị cho đội cồng chiêng đầy đủ các loại trang phục dân tộc truyền thống của người Bahnar, từ tấm khăn quàng cho đến những tấm hà bành với những đường nét hoa văn sắc sảo và màu sắc rực rỡ do bà con tự thêu dệt. Những chiếc vòng đeo cổ, vòng đeo tay và vòng đeo chân bằng kim loại đã được lưu giữ từ bao đời và nay cũng được đưa ra sử dụng trong sự kiện văn hóa này.

Làng Yun hiện còn lưu giữ được nhiều bộ chiêng và thường xuyên đạt giải cao trong các lần liên hoan văn hóa dân tộc từ cấp xã cho đến cấp tỉnh. Mới đây, tại Liên hoan cồng chiêng các huyện phía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai, đội cồng chiêng làng Yun đã xuất sắc giành giải nhất về biểu diễn và trang phục.