KTĐT - Là một giáo viên dạy văn, ngoài giờ đứng lớp, chị còn viết thuê kỷ yếu cho các trường, nhận biên tập và dịch sách, thậm chí, chị còn viết bài cộng tác với một số báo. Khi tiếng trống trường vang lên báo hiệu hết tiết học cũng là lúc chị vội vã ngồi lên chiếc xe phóng ngay đến nhà xuất bản.
Anh Thư, nhân viên của một công ty giầy da ở Hà Nội, sụt sịt mũi trong thời tiết giá lạnh. Thấy mình có dấu hiệu cảm cúm, anh tranh thủ giờ nghỉ, chạy đi mua thuốc, uống liền. Anh giải thích một cách hài hước rằng, mình là người không được “quyền ốm” bởi anh mà ốm thì cả nhà anh cũng “ốm” theo.
“Một tay gánh vác”
Vợ chồng anh Thư đã có hai người con, cậu lớn học lớp ba còn cô em mới được bốn tuổi. Trước kia, vợ anh làm thợ may cho một cửa hàng may mặc ở Thanh Liệt, thời gian bỏ ra nhiều nhưng tiền lương nhận được lại bèo bọt, đang lúc con anh chị còn nhỏ không có người trông. Sau khi sinh con thứ hai, chị trở nên gầy và đau yếu, thế là anh quyết định để chị nghỉ việc, ở nhà lo chăm con và cơm nước cho chồng. Cũng kể từ đó, mọi việc trong gia đình đều do một mình anh Thư gánh vác.
Anh Thư kể rằng, với hơn một triệu đồng tiền lương anh kiếm được ở công ty giầy không đủ để chi trả cho gia đình. Do vậy, vào những buổi tối và ngày nghỉ, anh làm thêm ở cửa hàng bán và sửa chữa giầy của người quen cũng kiếm thêm được mấy trăm ngàn một tháng. Những chi phí của gia đình anh từ tiền cơm, áo, điện, nước, đến tiền đóng học cho con cũng chỉ trong đồng lương còm anh kiếm được.
“Mua bán cái gì cũng đắt đỏ, vợ mình phải chắt bóp lắm mà có tháng vẫn không đủ sống. Giờ mình nghỉ ốm một vài ngày thì gạo đâu mà ăn,” anh Thư giãi bày.
Cũng giống như anh Thư, chị Khánh ở Yên Phụ, Hà Nội một mình chèo chống cho cả gia đình. Chồng chị đã nghỉ việc mất sức gần chục năm nay, anh bị bệnh huyết áp cao lại có tuổi nên không thể cùng vợ gánh vác công việc. Vì vậy, tiếng là phụ nữ nhưng mọi việc lớn nhỏ đều đến tay chị.
Là một giáo viên dạy văn, ngoài giờ đứng lớp, chị còn viết thuê kỷ yếu cho các trường, nhận biên tập và dịch sách, thậm chí, chị còn viết bài cộng tác với một số báo. Khi tiếng trống trường vang lên báo hiệu hết tiết học cũng là lúc chị vội vã ngồi lên chiếc xe phóng ngay đến nhà xuất bản.
Sau khi làm tròn công việc ở nhà xuất bản chị lại sấp ngửa về nhà lo cơm nước cho chồng con. Trong lúc mọi người vào giấc ngủ, chị Khánh vẫn kỳ cạch bên chiếc vi tính để soạn bài và hì hụi viết kỷ yếu… Công việc cứ thế xoay vòng, ngày nào cũng như ngày nào, đã lâu lắm, chị không có khái niệm về một ngày nghỉ.
Với suy nghĩ, mình phải chăm lo sức khỏe cho chồng và lo cho các con cuộc sống đầy đủ, không chỉ được học văn hóa mà còn được học thêm năng khiếu như nhạc, họa… để đời sống tâm hồn của chúng được phong phú, chị Khánh đành phải lao vào công việc đến “quên cả ốm”. Chị kể, nhiều khi cảm cúm vẫn phải vừa uống thuốc vừa đi làm.
Mặc dù, ở Việt Nam, thời nay được coi là thời của sự chia sẻ công việc gia đình, xã hội nhưng vẫn còn không ít những người có hoàn cảnh như anh Thư, chị Khánh, họ là những người “không được quyền ốm.”
Nhu cầu được sẻ chia
Dù khả năng xoay sở kinh tế dễ hay khó nhưng khi được hỏi, hầu như những “tay chèo” trong gia đình đều mong muốn mình nhận được sự chia sẻ của bạn đời.
“Người ta vẫn hay nói, đàn ông phải gánh vác gia đình nhưng chỉ một mình mình gánh nhiều lúc thấy cũng mệt mỏi,” anh Thư tâm sự.
Còn chị Khánh cũng kể rằng, chị không trách gì chồng nhưng quả thực đôi lúc chị thèm khát được một bờ vai để dựa dẫm. Có khi, công việc bế tắc nhưng chị không thể chia sẻ cùng chồng. Đến ngày đóng các khoản tiền, chị cũng đau đầu, muốn kêu nhưng lại sợ chồng suy nghĩ nên đành nín lặng. Đối với chị Khánh, chị không chỉ là người một mình lo cho cả gia đình mà chị còn như con thuyền đơn độc chở nặng nỗi niềm...
“Mình vừa làm chức năng một người vợ, người mẹ lại kiêm chức năng một người chồng, tuy đủ sức làm đấy nhưng đôi khi cũng thấy tủi,” chị Khánh bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên về việc này, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết, dù với lý do gì, khi chỉ có một người gánh vác kinh tế và công việc trong gia đình sẽ khiến cho người đó không có thời gian cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần. Những người này thường bị quay cuồng trong việc làm ăn sẽ khiến cho cuộc sống của họ mang màu sắc thực dụng, tâm hồn dễ bị cằn cỗi.
Bên cạnh đó, gánh nặng gia đình sẽ khiến họ bị mệt mỏi. Cuộc sống của những gia đình này dễ bị đẩy theo mỗi quan hệ một chiều, thiếu sự đối thoại, tương tác dần dẫn đến thiếu sự cảm thông lẫn nhau.
Ông Bình cũng cảnh báo, cuộc sống vợ chồng không có sự chia sẻ cho nhau sẽ có nguy cơ để bạn đời đi tìm sự chia sẻ và bù đắp từ bên ngoài, làm ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình./.