Những ngư dân can trường bám biển vươn khơi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tưởng sẽ bỏ hẳn nghề biển sau lần “chết hụt” vì bão Conson, ấy vậy mà duyên nợ chưa dứt, những ngư dân may mắn được cứu sống ngày nào nay lại tiếp tục bám biển, bám tàu để vươn khơi, dọc ngang trên khắp các ngư trường truyền thống.

Sự trở về kỳ lạ của con tàu bị phá nước
Những ngày đầu tháng 11/2021, tranh thủ lúc trời nắng ráo, ông Dương Văn Thạch (thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thuê người quét sơn và sửa chữa lại con tàu QNg 95058 TS.
 Tàu QNg 95058 TS từng bị phá nước và trôi dạt vào tận Khánh Hòa.
“Tôi cứ ngỡ nó đã mãi mãi chìm sâu dưới đại dương sau chuyến đi bão táp ấy. Ai mà ngờ còn có ngày gặp lại”, ông Thạch nói.
Cách đây khoảng 2 tháng, tàu QNg 95058 TS, công suất gần 900CV của ông Thạch bị phá nước, chết máy khi đang trên đường từ Hoàng Sa về tránh trú bão số 5 (bão Conson) ở Lý Sơn. Lúc ấy, ông Thạch cùng 4 ngư dân khác trên tàu may mắn được tàu cảnh sát biển CSB 8002 ứng cứu nên giữ được tính mạng. Sóng to, gió lớn, con tàu lúc ấy đã chìm hơn 2/3 nên đành bỏ mặc giữa biển khơi.
“Lúc đó chỉ mong giữ được tính mạng, nghĩ tàu không cứu được nữa nên bỏ luôn. Ai ngờ đến đầu tháng 10/2021, có người lên mạng xã hội thông tin tìm thấy chiếc tàu của tui ở tận… Khánh Hòa. Ngày 28/9, họ phát hiện ra tàu. Ngày 2/10, họ thuê tàu lai dắt về Quy Nhơn rồi thông tin trên mạng xã hội, tìm chủ”, ông Thạch kể.
Ông Thạch rất bất ngờ, nhưng qua hình ảnh, rõ ràng đó là con tàu của ông bị bỏ lại trong cơn bão lớn. Ngày 5/10, ông Thạch bắt xe chạy vào Quy Nhơn, mục sở thị con tàu của mình đã được kéo vào neo đậu ở đây mà ông vẫn ngỡ ngàng, không dám tin vào sự thật. “Có thể tàu không chìm hẳn vì khoang chứa cá chưa thủng, rồi nó cứ theo sóng gió dạt vào Nha Trang”, ông Thạch phỏng đoán.
Trả chi phí khoảng 400 triệu cho người phát hiện, trục vớt và lai dắt tàu về cảng, ông Thạch đưa tàu lên bãi đà ở Quy Nhơn, làm sơ lại phần thân tàu bị vỡ, không cho nước vào. Giữa tháng 10, ông lại thuê tàu lai dắt về quê để sửa chữa tiếp.
 Tàu QNg 95058 TS đang được sơn mới, sửa chữa để tiếp tục vươn khơi.
“Tàu về tới Sa Kỳ, sau đó đưa lên bãi đà tháo hết máy ra, cái nào sửa được thì sửa, không thì mua mới. Có thể sẽ tốn bạc tỷ, nhưng thôi, coi như cái duyên nợ mình chưa dứt, làm tới đâu tính tới đó. Sửa xong rồi lại tiếp tục vươn khơi”, ông Thạch cười.
Duyên nợ với biển
Trở về sau lần chết hụt vì bão biển, các ngư dân trên chuyến tàu bị nạn của ông Thạch đã có những trải nghiệm không thể nào quên.
“Khoảng 12 giờ ngày 11/9, tàu bị phá nước rồi chìm dần, vừa liên lạc với đất liền để tìm lực lượng cứu nạn, anh em vừa thay phiên nhau tát nước ra ngoài. Nhưng sóng to quá, tàu bị thủng phần phía sau nên nước vào mỗi lúc một nhiều. Cuối cùng 5 anh em mặc áo phao, ngồi ở mũi tàu chờ người cứu”, ngư dân Bùi Văn Ca cho hay.
Ngư dân gặp nạn được đưa lên tàu CSB 8002 (Ảnh: CSB)
Hơn 20 năm đi biển, đây là lần đầu tiên ngư dân Ca trải qua một sự cố nghiêm trọng, cận kề với tử thần như lần này.
“Lúc tàu mới bị phá nước, mình còn bình tĩnh, nhưng chờ đợi mãi mà chưa thấy người đến cứu nên dần dần thêm lo lắng, đầu óc nghĩ đủ thứ chuyện. Tầm gần 17 giờ, tàu 8002 của cảnh sát biển đến, 5 anh em như vỡ òa vì vui mừng. Sau đó, lần lượt từng người được đưa lên tàu, thay quần áo khô rồi ăn uống, nghỉ ngơi. May họ đến kịp, nếu không chẳng biết còn ngồi đây không nữa”, ngư dân Bùi Văn Ca bồi hồi.
 Từ trái qua, thượng úy Nguyễn Văn Mạnh - Chính trị viên tàu CSB 8002 (một trong những người trực tiếp tham gia cứu nạn các ngư dân), ngư dân Bùi văn Ca, ngư dân Đỗ Phòng, chủ tàu Dương Văn Thạch.
Sau khi được bàn giao cho địa phương, 5 ngư dân, bao gồm cả chủ tàu Dương Văn Thạch dù vui mừng vì sống sót trở về nhưng ai cũng đều trải qua những ám ảnh về tâm lý.
“Vợ cấm không cho đi biển nữa, chỉ làm bờ thôi. Nhưng ở biển thì phải bám biển, không đi biển thì làm gì, nên tui lại đi tiếp. Mới tranh thủ đi lộng vô đây, mấy ông kia cũng đi biển rồi, có ông Thạch chưa đi vì còn lo sửa tàu”, ngư dân Đỗ Phòng chia sẻ.
Gương mặt đã an tĩnh sau cơn đại nạn, ông Thạch cười hiền: “Năm nào mưa bão cũng lấy đi nhiều tài sản, sinh mạng của người dân vùng biển. Mình may mắn trở về, dù không tránh khỏi lo sợ nhưng duyên nợ với biển làm sao mà dứt, còn sức là còn vươn khơi!”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần