Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người bắc cây cầu hữu nghị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 70 năm đã trôi qua kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và bắt đầu hành trình thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia, kể cả những nước từng được coi là “cựu thù” ngày càng bền chặt và gặt hái nhiều thành quả trong mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 là thời điểm hoàn hảo để tri ân, vinh danh những người bạn quốc tế - những người bắc nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới.
GS Ahn Kyong – Hwan:

Yêu Việt Nam bằng cả trái tim

Những người bắc cây cầu hữu nghị - Ảnh 1Trong số 12 công dân nước ngoài được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu cao quý "Công dân danh dự của Thủ đô Hà Nội" lần đầu tiên (năm 2014), GS Ahn Kyong-Hwan – Chủ nhiệm khoa tiếng Việt trường Đại học Chosun được coi là người đã bắc nhịp cầu tiếng Việt, giúp người dân Hàn Quốc thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

Hiện, cả 4 đầu sách tiếng Việt được GS Ahn Kyong-Hwan dịch đều được độc giả Hàn Quốc hào hứng đón nhận và đã tái bản nhiều lần. Trong đó, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu năm 2003 đã tái bản lần thứ 5; Truyện Kiều in lần đầu năm 2004 đã tái bản lần 1; Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản lần đầu 2008 và đã tái bản lần thứ 3. Cuốn sách gần đây nhất mà vị GS yêu tiếng Việt này dịch là Hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài dịch sách, GS Ahn Kyong-Hwan còn tham gia giảng dạy tiếng Việt cho hơn 2.000 người Hàn Quốc, chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS Ahn Kyong-Hwan cho biết tiếng Việt học ban đầu rất khó, nhất là phát âm, nhưng khi hiểu được nó thì mê, nhất là ca dao, thơ lục bát (như truyện Kiều), thành ngữ, tục ngữ… nhiều và phong phú kể không xiết… Đặc biệt lịch sử Việt Nam cận đại, thời đại Hồ Chí Minh có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm; rồi lịch sử của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, càng nghiên cứu càng cuốn hút…

Sau khi khoa tiếng Việt đầu tiên được mở tại một trường đại học của Hàn Quốc vào năm 1967, hiện đã có 3 trường đại học có Khoa Việt Nam học và 2 trường dạy tiếng Việt. Đặc biệt, năm ngoái, khi tiếng Việt là một trong những ngoại ngữ 2 được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc, số lượng học sinh quan tâm đến tiếng Việt ngày càng nhiều. Hơn nữa, tại Việt Nam, hiện có khoảng 110.000 người Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc trong khi có tới 40.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn và đang sinh sống tại Hàn Quốc nên nhu cầu học tiếng Việt ngày càng tăng.

Mỗi tuần, GS Ahn Kyong-Hwan có 9 giờ dạy về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa bằng tiếng Việt cho học sinh, sinh viên và 2 giờ dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đáng mừng là số người Hàn Quốc quan tâm và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng nhiều, nhất là lớp trẻ. Mỗi học kỳ có môn về tư tưởng Hồ Chí Minh, có khoảng 500 - 600 em đăng ký tham dự…

Khẳng định “yêu Việt Nam bằng cả trái tim”, nên với niềm tự hào và trách nhiệm của một “Công dân danh dự của Thủ đô Hà Nội”, GS Ahn Kyong-Hwan cho biết sẽ nỗ lực hết mình, dùng ngôn ngữ, làm cầu nối để Nhân dân và thế hệ trẻ Hàn Quốc hiểu thêm nhiều về đất nước Việt Nam, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển, thịnh vượng...
Những người bắc cây cầu hữu nghị - Ảnh 2

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander trao mũ bảo hiểm cho trẻ em Việt Nam.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander:

Sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Thành phố xanh
Phải nói rằng, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Trong quá trình sống và làm việc tại Việt Nam, tôi rất thích Hà Nội - một TP giàu bản sắc văn hóa với khu phố cổ và các địa danh lịch sử xung quanh TP. Đồ ẩm thực thì rất thú vị với các món ăn đặc trưng như Phở và Bún chả - những món mà tôi luôn muốn thưởng thức. Tôi cũng rất thích mặc Áo dài trong các dịp đặc biệt và chắc chắn tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất là các bạn rất thân thiện, chăm chỉ và thực sự cam kết trong tất cả công việc của mình.

Đại sứ quán Thụy Điển đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng từ UBND TP Hà Nội cũng như các sở, ngành liên quan. Tôi tin rằng sự hợp tác giữa Việt Nam – Thụy Điển, Thủ đô Stockholm với Hà Nội đã, đang và sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng tôi sẵn lòng và rất mong muốn chia sẻ một số kinh nghiệm của Stockholm trong quá trình phát triển và trở thành một trong những TP xanh, sạch và đẹp nhất của châu Âu, đặc biệt trong các vấn đề Hà Nội đang dành nhiều quan tâm như tìm giải pháp giao thông mang tính bền vững và các vấn đề về môi trường.
Cựu Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen:

Cảm ơn vì đặc ân được sống, làm việc tại Việt Nam
Những người bắc cây cầu hữu nghị - Ảnh 3Sau 4 năm công tác tại Việt Nam, Đại sứ EU Franz Jessen đã kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 29/8. Trong bức thư chào từ biệt, cựu Đại sứ Franz Jessen đã bày tỏ những cảm xúc rất chân thành về tình cảm yêu mến, gắn bó với mảnh đất, con người Hà Nội. “Với trải nghiệm cá nhân thì thời gian sống tại Hà Nội quả rất tuyệt vời. Cho dù là một TP rộng lớn, nhưng Hà Nội lại có một sự hấp dẫn riêng mà chỉ những TP nhỏ mới có, và theo tôi biết, người Hà Nội có truyền thống gắn kết gia đình chặt chẽ. Vào các buổi sáng, các vỉa hè và công viên được người dân sử dụng để tập thể dục, và vào buổi tối thì những nơi đây lại trở thành sân chơi cầu lông và các lớp học khiêu vũ. Một trong những thói quen yêu thích của gia đình tôi là đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm sau bữa tối để ngắm nhìn hoạt động về đêm ở nơi đây. Và chúng tôi dần yêu Hà Nội từ lúc nào.
Tôi đã từng sống ở 7 quốc gia và luôn ở mỗi nơi khoảng 4 năm hoặc lâu hơn thế - đủ dài để gắn bó và cảm nhận được rằng mình thuộc về đất nước và con người nơi đó. Đối với tôi, cảm nhận này vô cùng lớn đối với Việt Nam, có thể bởi vì sự tương đồng về mặt văn hóa đến bất ngờ giữa châu Âu và Việt Nam, và cũng có thể bởi vì sự duyên dáng đến diệu kỳ của con người Việt Nam. Xin cảm ơn những người bạn Việt Nam - những người đã cho tôi đặc ân được sống và làm việc tại đây”.
GS.BS Payam Nahid:
Cam kết hỗ trợ cho công tác phòng chống lao

Những người bắc cây cầu hữu nghị - Ảnh 4Là chuyên gia đầu ngành về bệnh phổi trên thế giới, GS Payam Nahid - Trưởng phòng khám hô hấp và hen, Khoa Phổi và chăm sóc tích cực, Bệnh viện đa khoa San Francisco, trường Đại học California, San Francisco (Mỹ) đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển chương trình chống lao tại Việt Nam. Đặc biệt, GS Payam Nahid đã dành nhiều thời gian và tâm huyết thiết lập và xây dựng mạng lưới nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho Bệnh viện Phổi Hà Nội và các tổ chống lao của 7 trung tâm y tế cùng với mạng lưới chống lao các phường, xã; đưa điểm nghiên cứu lâm sàng của Hà Nội đứng thứ hai trong số 20 điểm nghiên cứu lâm sàng của Liên minh thử nghiệm lâm sàng lao quốc tế. Bệnh viện Phổi Hà Nội và các tổ chống lao của các quận, huyện Hà Nội đã nhận được sự hỗ trợ không những về chuyên môn mà còn về trang thiết bị y tế với số tiền trị giá gần 300.000 USD.
Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp y tế của Thủ đô và mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế của Thủ đô vì mục tiêu hòa bình, phát triển, tiến bộ xã hội, GS Payam Nahid đã được trao danh hiệu “Công dân danh dự của Thủ đô Hà Nội” năm 2014.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS Payam Nahid cho biết: “Dù mới sống và làm việc tại Hà Nội trong một thời gian ngắn, nhưng tôi có thể dễ dàng nhận ra, tinh thần dân tộc rất cao và những nét đẹp truyền thống tiềm ẩn trong mỗi con người nơi đây. Điều đó được thể hiện ở tinh thần làm việc chăm chỉ và đầy trách nhiệm của các y, bác sĩ nơi đây. Hy vọng thời gian tới, tôi cùng các y, bác sĩ ở Việt Nam và đặc biệt tại Hà Nội sẽ tiếp tục cộng tác, nghiên cứu và thử nghiệm thành công pháp đồ điều trị mới nhằm chống lại bệnh lao”.