Những người bị "bỏ rơi" sau khi chính phủ Mỹ kết thúc chuỗi ngày đóng cửa kỉ lục

Cẩm Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù quãng thời gian đóng cửa chính phủ Mỹ đã kết thúc, một bộ phận nhân viên liên bang vẫn đang chịu ấm ức.

Khi chính phủ Mỹ hoạt động trở lại, bà Lila Johnson trở lại công việc dọn dẹp vệ sinh với tư cách là một nhân viên hợp đồng liên bang, nhưng không giống những nhân viên làm việc trực tiếp cho chính phủ, bà không nhận được bất kỳ khoản tiền lương nào tính trong thời gian đóng cửa kéo dài một tháng chính phủ Mỹ đóng cửa.

 Ảnh minh họa. 

Bà Johnson, 71 tuổi, và một số thành viên công đoàn khác đã cùng với các nhà lập pháp quốc hội ngày 29/1 để thúc giục việc chi trả cho các nhân viên hợp đồng chính phủ lương thấp, những người không được trả lương trong thời gian đóng cửa 35 ngày qua.

“Tôi có chút phẫn nộ. Tại sao chúng tôi không được trả lương? Chúng tôi cũng làm việc chăm chỉ”, bà Johnson, người mất một tiếng mỗi ngày để tới tòa nhà văn phòng liên bang làm việc, cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump với yêu cầu một bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico đã gây ra tình trạng đóng cửa dài kỉ lục của một phần chính quyền Mỹ. Ông đã ký luật cho phép trả lại số lương mà 800.000 nhân viên liên bang bị thiếu hụt trong thời hạn 35 ngày vừa qua. Nhưng điều luật không bao gồm các nhân viên chính phủ hợp đồng.

Một dự luật do Thượng nghị sĩ Tina Smith, phe đảng Dân chủ từ bang Minnesota, đưa ra, theo đó trả lại tiền cho những người lao động có mức lương thấp làm việc theo hợp đồng,  bao gồm các vị trí như gác cổng, nhân viên nhà ăn và nhân viên bảo vệ. Một dự luật tương tự đã được giới thiệu tại Hạ viện.

“Họ lau dọn các tòa nhà văn phòng và góp phần giữ trật tự, phục vụ hàng triệu bữa ăn mỗi năm”, TNS Smith nói trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội. “Tại sao những người chăm chỉ này buộc phải tự trả giá cho việc chính phủ đóng cửa”, TNS này nói.

Chưa có thống kê về số nhân viên hợp đồng phục vụ cho chính phủ liên bang, mặc dù một số ước tính lên tới hàng triệu người.