Hết mình vì nhiệm vụ Trưa tháng 6, trời nắng như đổ lửa. Chúng tôi có dịp tham gia cùng một ca trực của các chiến sĩ Đội CSGT số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội - PC67), khi các anh đang cần mẫn làm nhiệm vụ tại khu vực Bến xe Giáp Bát. Là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía Nam dẫn vào trung tâm thành phố, đường Giải Phóng mỗi ngày đón hàng chục ngàn lượt phương tiện qua lại. Chốc chốc, các chiến sĩ CSGT lại "đội nắng", băng ra giữa làn xe đang ngược chiều vun vút để chặn những chiếc ô tô chở quá tải hay taxi vi phạm dừng đỗ đón - trả khách dọc đường, hoặc xe máy chạy sai làn đường quy định,… Đưa tay quệt những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm đen vì nắng nóng, thượng úy Đinh Công Thắng cho biết, để đảm bảo ATGT trên tuyến đường, các chiến sĩ được phân công làm việc theo ca, bắt đầu từ 6 giờ sáng tới 22 giờ đêm. Với các chiến sĩ CSGT, vất vả của nghề dường như không còn là điều quá lạ lẫm. "Công việc đặc thù đòi hỏi phải có tình yêu và trách nhiệm với nghề, biết chấp nhận gian khó, hiểm nguy nhưng chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...", thượng úy Đinh Công Thắng bộc bạch.
Nam CSGT đã vất vả, nữ cảnh sát lại càng thấm thía hơn nỗi nhọc nhằn của nghề. Ngã tư Tràng Tiền một ngày đầu tháng 5. Trên con đường tấp nập dòng xe qua lại, trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân - Đội CSGT số 1 tất bật với việc phân luồng phương tiện qua lại. Trung úy Vân bộc bạch, PC67 hiện có khoảng 30 chị em phụ nữ làm công tác phân luồng giao thông vào những giờ cao điểm, phần lớn đều còn khá trẻ. Những ngày đầu, không ít nữ CSGT còn ngượng ngịu trước những ánh nhìn, lời chọc ghẹo của người đi đường; rồi những ca trực vào ngày nắng gắt khiến nước da người con gái đổi màu,... Việc suốt ngày phải "chung sống" với khói bụi, tiếng còi xe, hay mặt đường khi nào cũng hầm hập vì nắng nóng, là điều không chiến sĩ nào muốn. Đội ngũ CSGT bởi thế cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp, da liễu… Nhưng dường như điều đó không làm vơi bớt đi sự lạc quan cùng trách nhiệm với nghề. Thiếu úy Nguyễn Hồng Anh nửa đùa, nửa thật khi trò chuyện cùng chúng tôi: "Con gái làm CSGT là nhanh già và chóng xấu lắm. Nhưng biết sao được, đã chọn thì phải yêu lấy nghề thôi…". Những chiến sĩ “có duyên” với người đi lạc Chúng tôi gặp chị Lê Thị Thanh trong một căn nhà nhỏ thuộc tổ 9, phường Mậu Lương (quận Hà Đông, Hà Nội). Con gái chị - bé Lê Thị Hạnh, mới gần 5 tuổi, đang phụ giúp mẹ chuẩn bị bữa cơm chiều. Ít người biết rằng, chỉ cách đây chừng hơn một tháng, hai mẹ con đã suýt lạc mất nhau trong cuộc đời. Chị Thanh, hiện là công nhân của một công ty trên đường Láng Hạ (Hà Nội) nhớ lại, do đặc thù công việc, chị thường xuyên đi làm sớm nên phải trốn con, sợ cháu dậy quấy khóc, đòi theo. Sớm 1/5, chị vẫn đi làm bình thường. Có lẽ bé Hạnh thức giấc, không thấy mẹ đâu nên đã đi tìm mẹ một mình… Giây phút gặp lại đứa con thơ dại, chị Thanh không dấu được xúc động: "Số tôi khổ, sống được cho tới ngày này cũng vì còn có đứa con, mất nó rồi chẳng biết sẽ sống sao. Thật chẳng biết phải cảm ơn các chú ấy thế nào…". Những "chú ấy" mà chị Thanh hàm ơn và nhắc tới là các chiến sĩ thuộc Đội CSGT số 7, trực tiếp là thượng úy Trần Văn Công và các đồng nghiệp - những người đã phát hiện ra bé Hạnh đi lạc.
Thượng tá Lê Đức Đoàn hướng dẫn giao thông trên cầu Chương Dương. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Vụ việc ngày 1/5 chỉ là một trong 4 trường hợp người đi lạc được các chiến sĩ Đội CSGT số 7 giúp đỡ tìm lại người thân chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây. Trước đó, một cháu trai tên Nguyễn Năng Nam, quê xóm 8, xã Hưng Công (huyện Bình Lục, Hà Nam); cháu Đỗ Văn Tuấn, 13 tuổi, trú tại khu 5 (Đông Lĩnh, Thanh Ba, Phú Thọ) và bà Nguyễn Thị Na, 82 tuổi, ngụ tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc cũng được Đội CSGT số 7 phát hiện, đưa về với gia đình sau khi bị lạc. Cùng với Đội CSGT số 7, các chiến sĩ thuộc Đội 1 cũng được xem là "có duyên" với người đi lạc khi đã không ít lần giúp đỡ những trường hợp không may tìm về với gia đình. Sự việc gần đây nhất diễn ra vào 22 giờ tối ngày 5/6, khi tổ công tác của Thiếu úy Nguyễn Đăng Khoa phát hiện một bé gái đi lạc ở Tràng Tiền Plaza. Cháu bé cho biết tên Nguyễn Như Linh, 12 tuổi, trú tại thôn Chóng, xã Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến hơn 9 giờ sáng hôm sau, các chiến sĩ Đội CSGT số 1 đã tìm lại được gia đình cho bé Linh. Anh Nguyễn Như Thục - bố cháu Linh, cùng gia đình và họ hàng lo lắng tìm kiếm suốt đêm, thấy cô con gái trở về thì vui mừng khôn xiết: "Mẹ nó khóc suốt đêm, ngất lên ngất xuống, cứ lo con có mệnh hệ gì thì khổ. May nhờ các chú CSGT, nếu không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra…".
Được sống lại lần thứ hai Ngày 6/5 vừa qua, với chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1985, quận Hoàng Mai) có lẽ là ngày chị được sinh ra lần thứ hai. Áp lực của cuộc sống khiến chị dại dột lên cầu Chương Dương để quyên sinh. May mắn khi chị được thượng tá Lê Đức Đoàn và thiếu úy Phạm Văn Cương (Đội CSGT số 1) phát hiện, tiếp cận, động viên tinh thần, và kịp thời với tay túm được trước khi chị bị trượt khỏi mấu cầu số 6 giữa dòng sông Hồng đang chảy xiết. Trước đó, cuối năm 2012, chị Trần Thị Ng., phường Bồ Đề (quận Long Biên) trong phút giây không tỉnh táo, đã leo lên cầu với ý định quyên sinh, nhưng may mắn được thượng tá Lê Đức Đoàn cùng đồng nghiệp phát hiện kịp thời, cứu giúp thoát khỏi lưỡi hái tử thần. "Giờ đây, thi thoảng có việc qua nội thành, cô Ng. lại dẫn theo hai đứa nhỏ vào thăm tôi. Mẹ chồng cô ấy hôm nào đi lễ chùa về cũng ghé qua trạm gác, gửi tôi gói chè, cái bánh làm quà. Tình cảm đó chính là phần thưởng tinh thần lớn nhất đối với chúng tôi…" - thượng tá Lê Đức Đoàn tâm sự. Đó chỉ là hai trong số gần 30 trường hợp người dân lên cầu Chương Dương với ý định quyên sinh được thượng tá Lê Đức Đoàn và các đồng nghiệp cứu giúp trong suốt 10 năm qua. Dẫu vậy, không phải khi nào các chiến sĩ Đội CSGT số 1 cũng cứu giúp thành công người có ý định tự tử. Mỗi lần thành công là một niềm vui lớn, nhưng mỗi lần thất bại lại hằn thêm trong lòng các chiến sĩ một nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Cũng nhờ sự tận tâm của những chiến sĩ CSGT như thượng tá Lê Đức Đoàn, thiếu úy Phạm Văn Cương,… mà đến nay không ít trường hợp đã trở về với cuộc sống thường nhật. Với họ, những chiến sĩ CSGT giống như những "vị cứu tinh". Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, những chiến sĩ CSGT đang góp phần không nhỏ trong việc mang lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân. Hình ảnh đẹp về đội ngũ công an nhân dân, sẵn sàng vì nước quên thân, vì dân phục vụ đang được khắc họa ngày càng sâu đậm trong lòng đông đảo người dân Thủ đô và cả nước.