Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người không rõ mặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa đêm về sáng, chợt trở mình thức giấc nghe tiếng gió trở mùa khẽ khàng ngỡ bước chân quen của ai đó. Có ai xa Hà Nội mà chẳng mong tìm về khi tiết trời đã chớm Thu.

Trở về với gió heo may xao xác hàng cây, khẽ rụng rơi dăm chiếc lá vàng. Tìm lại một chút hơi lạnh vừa đủ cho lòng người nôn nao, bồi hồi chạnh nhớ. Nhất là khi tha thẩn dạo trên những con phố thân quen chìm sâu vào đêm, bất ngờ nhận ra mùi hoa sữa thoang thoảng đâu đây. Thu quyến rũ bởi có nắng vàng óng mầu rơm khô, chuối chín trứng cuốc, bưởi rám nắng, hồng chín mọng. Sắc thu, hương vị thu giờ đã phai nhạt nhiều. Nét duyên thầm, lãng mạn không còn được như xưa...

 
Những người không rõ mặt - Ảnh 1

Có lẽ vì quá yêu mùa thu đến mức si mê, nên người ta thi vị hóa, dành những cảm xúc lắng sâu, đằm thắm nhất trong thi ca cho thời khắc đẹp nhất, đáng nhớ, đáng yêu nhất trong năm. Thế nên chẳng mấy ai để mắt tới những góc khuất phía sau bức tranh mùa thu vàng.

Có lẽ, vì đã sống qua bao tiết thu, trong thâm tâm tôi không còn mấy xao động nghe gió lạnh đầu mùa ngoài ngõ, hay trằn trọc bởi tiếng mưa xối xả trên mái tôn. Mưa thế này chẳng ai ra khỏi ngôi nhà ấm cúng. Ðèn đường vẫn sáng cho những người đàn bà cắm cúi, gò lưng đạp xe từ cửa ô, chở rau củ quả vào chợ sớm. Một vài chiếc xe máy phóng bạt mạng chất đầy lợn mổ phanh, quết đất. Có cả những thùng cá tươi, ắp đầy nước nặng trĩu tay lái đàn bà, con gái. Con đường này, sáng sớm nào tôi cũng chạy lên công viên, bất kể là mùa hè hay mùa đông. Thuộc mỗi gốc cây, vỉa hè khấp khểnh cho tới nắp ga, hố cống. Quen cả dáng gầy tong teo của mấy người đàn bà đạp xe thồ rau. Trăm buổi sáng như cả trăm đều gặp nhau trên con đường vắng, thưa thớt bóng người, nên họ cũng nhận ra tôi. Nhưng tôi không thể nhìn rõ họ, bởi tất cả đều che kín mặt, chỉ chừa đôi mắt và giọng nói.

Cũng trên một con đường, họ thì kiếm sống, còn tôi "ham sống". Mỗi người mỗi phận, nhưng sao thấy thương những thân phận lam lũ, "chân yếu, tay mềm". Không lẽ "cái cò, cái vạc" ám chỉ, vận vào số phận đàn bà, phụ nữ bao đời rồi? Họ sinh ra là để gánh lấy hết thảy vất vả, nặng nhọc, khổ đau thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Cũng như những người quét rác, đẩy xe mà sáng nào tôi gặp ven đường. Toàn là những gương mặt đàn bà kín bưng khẩu trang và xùm xụp mũ nón. Nắng cũng như mưa, nóng cũng như lạnh. Sớm tinh mơ hay đêm khuya khoắt, họ vẫn "cắm" mặt xuống đất như người trồng lúa, sải tay quét lá rụng, rác rưởi vỉa hè, rãnh cống. Khi đèn đường tắt ngấm, những vạch phản quang trên bộ đồng phục chỉ để xe cộ nhận ra bóng người, chẳng thể rõ mặt người.

Ngay cả đêm khuya, khi đi làm về muộn, tôi cố nhìn kỹ cũng không thấy bất kể một khuôn mặt nào. Có lẽ những người phụ nữ kia cố tình giấu mặt, nhất là vào lúc mọi nhà quây quần bên mâm cơm tối. Tiếng kẻng đổ rác lanh lảnh, tiếng xe lục cục lăn bánh và bóng người đàn bà cắm cúi đẩy. Rác chất đầy, che khuất gương mặt. Những dãy xe rác xếp hàng dọc đường, cao ngất như những "núi rác". Bao năm rồi, tiếng chổi tre quét rác vẫn mòn mỏi vỉa hè, góc phố, xóm ngõ. Vẫn những người đàn bà, con gái lê bước, rã rời cánh tay thu gom rác thải, làm sạch, làm đẹp phố phường...

Khi một ngày mới bắt đầu và lúc ngày khép lại, những người quét rác chính là những người mà tôi nhớ và ấn tượng nhất, nhưng không thể nhận rõ mặt. Cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, đối với họ có lẽ chẳng khác gì.