Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người sống bên “camera giấu kín”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm nghề giáo ở Thủ đô, các thầy cô có tất cả những gì mà cả nước thiếu: Điều kiện vật chất, lòng hiếu học của người dân Hà thành…

Nhưng các thầy cô lại thiếu điều mà nghề giáo cần đến nhất: Lòng tin. Có lẽ chưa bao giờ áp lực từ sự thiếu lòng tin của xã hội lại đè nặng lên những nhà giáo ở đây đến thế.

Chiếc móc áo treo ngược lòng tin

Mấy cô công nhân thuê trọ gần nhà (tại Long Biên) khi biết tôi làm nghề báo đã nhờ mua chiếc camera chuyên dụng, có thể ghi hình mà người bị ghi hình không thể biết. Hỏi để làm gì? Họ bảo: “Để gắn vào lớp học của con chúng tôi, để xem các cô có đánh, có dọa, có cho bọn trẻ ăn đúng, đủ hay không?”. Biết chuyện, mẹ tôi lặng lẽ khóc. Bà dạy học từ lúc bom Mỹ trút ào ạt xuống miền Bắc đến những ngày bao cấp gian khổ, suốt những năm tháng khổ sở ấy, có lẽ chưa bao giờ bà lại khóc tức tưởi như lần này. Mẹ tôi chỉ bảo: “Lớp thầy cô trẻ bây giờ của Hà Nội sẽ rất khổ. Lòng tin đối với thầy cô giáo cũng như giọng hát của người ca sĩ, đôi tay của bác sĩ phẫu thuật… Không có gì khổ hơn với nghề giáo là không còn được học sinh, phụ huynh tin tưởng”.

Trong hàng vạn học sinh của mẹ, tôi chỉ nhớ anh Nguyễn Mạnh Thắng, gọi là Thắng “lươn”, chẳng phải vì anh có gì giống con lươn mà bởi những “con lươn” hằn trên mông anh suốt gần một năm khi học lớp mẹ tôi. Đầu cấp 2, anh Thắng bị bệnh quê tôi gọi là “Đương hỏa” (chính là căn bệnh “Tăng động” hiện nay) nên nghịch “thần sầu, quỷ khốc”, nói trước, quên sau, bài tập nào không bắt làm đi, làm lại dăm ba lần là không thể nhớ nổi. Hồi ấy, cuối buổi học, kiểm tra lại nếu thấy vẫn chưa thuộc bài, mẹ tôi lại vụt anh Thắng một roi lằn mông. Về nhà, bố mẹ anh kiểm tra, nếu thấy có vết roi lại mang bài tập cũ bắt anh làm lại nhiều lần cho nhớ. Mẹ phạt để cho anh nhớ và thông qua “con lươn” trên mông ấy cũng là một hình thức báo tin cho gia đình rằng anh chưa học thuộc bài (Lúc ấy làm gì đã có điện thoại như bây giờ, từ trường đến nhà học sinh lại xa). Mất gần một năm trời rèn giũa bằng “món lươn” của mẹ, anh Thắng mới tập trung hơn vào việc học. Vừa rồi, đến thăm mẹ tôi với quân hàm Thượng tá, hiện đang làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), anh Thắng thủ thỉ: “Hồi đó, không có mấy roi của cô sẽ chẳng bao giờ có được Thượng tá Thắng ngày hôm nay, cô ạ. Bây giờ, véo tai học sinh là đủ để ra khỏi ngành giáo dục. Sao lại thế cô nhỉ?”… Mẹ chỉ dám cười buồn: “Hà Nội giờ vậy mà con! Biết làm sao?”.

Lớp người xưa ngỡ ngàng, có xót xa… vì giờ đây phụ huynh học sinh dùng những “camera giấu kín” có chức năng chống trộm để theo dõi thầy cô. Nhưng lớp phụ huynh Hà Nội bây giờ hăng hái lắm. Lên trang mạng, ra phố Huế hỏi mua máy ghi hình thì nườm nượp chào hàng. Chủ một cửa hàng điện tử đầu phố Nguyễn Biểu oang oang tư vấn: “Muốn ghi hình bọn thầy cô “phệt” con mình á? Tốt nhất là mua loại móc treo quần áo. “Một củ thiếu” (1,9 triệu đồng - PV) một cái, đến lắp tận lớp thì “Hai củ thừa” (2,1 triệu đồng)”. Theo kinh nghiệm của những nhà “thám tử tài ba” này thì “Camera móc áo dễ “cài cắm” nhất. Lớp nào có trẻ con giờ mà chẳng đầy móc áo treo sẵn. Sáng đưa con đến lớp, lén tháo cái móc áo cũ ra, gắn móc áo có camera này vào. Chiều đến đón con tháo camera về, gắn lại móc áo cũ… Đơn giản thế thôi. Bọn tôi bán hàng ngàn loại này rồi, mua đi, chất lượng hình, âm thanh khỏi chê”.

Nếu thế thì không hiểu đã bao nhiêu lòng tin với các thầy cô giáo đã bị các bậc phụ huynh Hà Nội treo ngược lên chiếc móc áo với “camera giấu kín” này rồi. Chẳng ai trách họ, những bậc phụ huynh quá lo cho con mình trước hình ảnh, diễn biến vụ đánh học sinh lan truyền chóng mặt. Không ai dám trách họ nhưng luật pháp khô lạnh không biết thông cảm. Việc gắn camera quay lén tại các lớp học của con mình là vi phạm pháp luật hình sự. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị truy tố.

Ai “trót” để ai “trách”

Sát ngày 20/11 năm nay, có những đứa trẻ vẽ hình bông hoa méo mó, có những đứa trẻ ngọng nghịu, khó khăn lắm để nói câu chúc mừng Ngày Nhà giáo nhưng khiến người ta xúc động đến rơi nước mắt. Đó là những đứa trẻ bất hạnh ở lớp dạy trẻ tàn tật của nhà giáo già Hồ Hương Nam tại An Dương (Yên Phụ, Tây Hồ). Từ năm 1997 đến nay, bà giáo Nam nhận dạy chữ và các kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật miễn phí. Vì thế, TP Hà Nội trân trọng vinh danh bà  là một trong 10 Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014.

Thế nhưng, bà buồn đến rã rời khi vừa rồi có người (có trách nhiệm) đến chất vấn là có nhận tiền của các tổ chức nước ngoài hay không? Có lợi dụng lớp học khuyết tật này để kêu gọi tài trợ của những nhà hảo tâm hay không? Thu lợi được bao nhiêu? Nghe thế, bà ngạc nhiên không hiểu sao chuyện dạy chữ, trông trẻ khuyết tật miễn phí lại có thể thu lợi và thu lợi bao nhiêu? Bấy nhiêu câu hỏi làm tan nát lòng thiện ấy chỉ bởi: Lòng tin cho những nhà giáo đã xuống thấp rồi.

Lứa những nhà giáo già, trải qua bao bể dâu còn thấy thảng thốt với sự mất lòng tin của xã hội, nói gì đến những thầy, cô mới chập chững bước vào nghề “gõ đầu trẻ” Hà Nội. Tại Đại hội Vinh danh ngành giáo dục Thủ đô tổ chức hôm 18/11, cô giáo Nguyễn Mai Hương - trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình) được tuyên dương vì thành tích dạy học bao năm qua cũng đã từng áp lực vì chuyện dạy trẻ tự biết… buộc dây giày. Trẻ vào lớp 1 vừa qua các lớp mẫu giáo, tại các lớp mẫu giáo tư thục, để tạo hình ảnh tốt và lòng tin của các phụ huynh, lũ trẻ được chăm sóc tới tận răng, thậm chí ngủ dậy, cô còn phết sẵn kem trên bàn chải để trẻ đánh răng. Khi vào lớp 1, các kỹ năng cơ bản của trẻ chưa phát triển đúng mức. Vì thế, cô Hương yêu cầu các gia đình cùng nhà trường phối hợp để trẻ tự làm những việc phục vụ bản thân, trong đó có việc tự buộc dây giày... Tuy nhiên, nếu cô giáo không buộc dây giày cho trẻ thì một đứa trẻ vấp ngã, thương tích vì giẫm phải dây giày của chính mình đó sẽ là một câu chuyện lớn, có thể khiến một cô giáo mất việc. Đó là chuyện đương nhiên tại Hà Nội.

Điều các cô giáo trẻ bây giờ sợ nhất là những bình luận (comment) của cộng đồng mạng và những người đọc báo. Cô Hương ngậm ngùi tâm sự: “Quả thật, nhiều lúc chị em giáo viên chúng tôi đã phải dặn nhau không đọc những thông tin về những sai sót của các thầy cô trên các trang mạng và báo chí”. Trên các trang mạng, các thầy cô sợ nhất là bị “tai bay, vạ gió”. Cô Đỗ Thu T., quê Nghệ An, giáo viên trường THCS Sài Đồng (Long Biên) đã từng đau khổ vô cùng khi con gái về hỏi: “Mẹ vòi tiền phụ huynh để cho con người ta đỗ vào lớp chọn hả mẹ?”. Sau đó, cả gia đình trong quê (gia đình toàn nhà giáo) cũng liên tục gọi điện ra hỏi về việc làm “Bại hoại gia phong” này. Kiểm tra tất cả thông tin, cũng không thể tìm nổi lý do “bỗng dưng bị chửi” kia, cô T. buộc phải hỏi con, thì ra lý do đơn giản là dưới một bài viết về những sai phạm của những giáo viên tại Tây Ninh, có một dòng bình luận của bạn đọc: “Con” giáo xứ Nghệ của con mình ở trường SĐ bắt mình đưa 3 “củ” (3 triệu đồng - PV) mới cho con mình vào lớp chọn. TSB nhà nó. Bình luận thế này thì có phải “tai bay vạ gió” không? Gốc xứ Nghệ có bao nhiêu cô giáo, tên trường viết tắt SĐ thì cả nước thử hỏi có bao nhiêu trường? Khi bị mất lòng tin thì khổ thế đấy!

Tại nghị trường Quốc hội, để an ủi cho những giáo viên hiện nay đang chịu nhiều áp lực, đã có vị đại biểu động viên rằng: “Đã mang lấy nghiệp vào thân - Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”. Động viên những nhà giáo bằng sự thông cảm với nghề nghiệp của nàng Kiều thì đúng là nghĩ cũng cám cảnh cho nghề giáo thật.