Những nhân vật làm nên diện mạo thế giới 2016 (phần 1)

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2016 là một năm xảy ra nhiều sự kiện bất ngờ ảnh hưởng đến cục diện thế giới. Những sự kiện này đều mang dấu ấn của những cá nhân nổi bật.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là điều bất ngờ nhất trong năm 2016 và cũng đem lại những dự báo khó lường cho thế giới vào năm 2017.
 Chiến thắng của ông Trump là điều bất ngờ nhất trong năm 2016.
Trước ngày bầu cử 8/11, các cuộc thăm dò đều cho thấy vị tỷ phú New York bị đối thủ Hillary Clinton bỏ xa. Tuy nhiên, trái với dự đoán, ông Trump đã giành được chiến thắng với tỷ lệ cách biệt lớn.
Với thông điệp “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Donald Trump phản đối các hiệp định thương mại tự do, chủ trương bảo hộ kinh tế. Chiến thắng của ông được dự báo là dấu chấm hết đối với các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những di sản trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Obama.
Về chính sách ngoại giao, ông Trump cũng thể hiện quan điểm trái ngược với người tiền nhiệm. Các chuyên gia dự báo, năm 2017 sẽ còn chứng kiến những cú shock khác khi ông Trump chính thức nhậm chức, đặt ảnh hưởng của mình lên nước Mỹ và thế giới.
Tổng thống Nga Putin
Forbes ngày 14/12 công bố danh sách những người ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2016. Đứng đầu danh sách Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là lần thứ 4 liên tiếp tổng thống Nga được bình chọn vị trí này.
 Tổng thống Nga Putin (phải).
Điều này đã cho thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của người đứng đầu nước Nga đến thế giới. Bằng quyết định tham chiến ở Syria, Tổng thống Putin đã thể hiện được sự lãnh đạo quyết đoán, cứng rắn và đầu óc chiến lược sắc bén của một cựu điệp viên.
Chiến thắng của quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn tại TP Aleppo trước phe nổi dậy không chỉ giúp Tổng thống Syria al-Assad giành lại ưu thế mà còn đem lại vị thế cường quốc của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Bà Yellen - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ
Năm 2016 là năm Chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có chiến thắng “kép” khi phát đi tín hiệu, nền kinh tế Mỹ đang khỏe mạnh và sẽ cải thiện hơn nữa trong tương lai, cho phép FED tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017.
 Bà Janet Yellen.
Vừa qua, FED cũng quyết định tăng lãi suất lên mức 0,5 - 0,7%. Đây mới chỉ là lần thứ 2 trong gần 3 năm FED tăng lãi suất kể từ khi bà Yellen nhậm chức.
Hiện thị trường lao động Mỹ có thể đạt được trạng thái toàn dụng lao động mà không cần gói kích thích tài khóa từ Nhà Trắng, và chính sách tiền tệ đang trên đường cán đích khi mà tỷ lệ lạm phát tiến sát đến mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Tháng 2/2014, khi bà Yellen nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 6,7%. Giờ đây nó đã giảm xuống chỉ còn 4,6%.
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron
Năm 2016 là năm đánh dấu thất bại của ông David Cameron trong “canh bạc” Brexit. Năm 2013, ông Cameron đưa ra ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit nhằm thu phục sự bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như thu hút cử tri trong cuộc bầu cử năm 2015.
Ông David Cameron thất bại trong “canh bạc” Brexit.

Tuy nhiên, ông Cameron đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề khi chơi con dao 2 lưỡi Brexit, đẩy nước Anh và cả Liên minh châu Âu (EU) vào một cuộc khủng hoảng khôn lường.
Sau cuộc “ly hôn” của Anh, chủ nghĩa “ly khai” như được thổi bùng ở các thành viên EU, bày tỏ sự hoài nghi về mức độ bền vững của khối. Nhiều nước bày tỏ mong muốn nối gót London ra khỏi EU. Rõ rệt nhất là việc cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng phải từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp, “dọn đường” cho Phong trào Năm Sao (Five Stars Movement) mạnh lên trong cuộc bầu cử. Đây là một nhóm dân túy muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Italy có nên tiếp tục ở lại trong Eurozone.

“Kể từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit, cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy về lý thuyết có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hệ thống ở Eurozone”, chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg nhận định.
Tổng thống Philippines Duterte
Năm 2016, thế giới cũng dồn sự chú ý vào Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với chiến dịch triệt phá tội phạm ma túy gây tranh cãi. Báo chí gọi ông là "Donald Trump của Philippines" vì những phát ngôn gây shock.
 Tổng thống Philippines Duterte.
Một báo cáo mới được công bố cho thấy, chỉ trong vòng hơn 5 tháng từ khi ông Duterte nhậm chức, cảnh sát Philippines đã tiêu diệt khoảng 2.000 nghi phạm buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy và khoảng 3.000 người khác được cho là đã bị các nhóm săn lùng tội phạm giết chết hoặc thiệt mạng trong các vụ thanh trừng lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm.
Điều này dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Manila trong thời gian qua mặc dù hai nước vốn là đồng minh lâu năm, dự báo nhiều thay đổi về chính trị trong khu vực trong năm tới.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần