Những trăn trở về con đường đến trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày đó, khi còn là cô bé học sinh tiểu học, cứ mỗi lần được các chú cảnh sát giao thông về trường hướng dẫn trải nghiệm những tình huống giao thông bằng hình ảnh là tôi và các bạn lại hào hứng vô cùng.

Ngước nhìn lên tấm bảng to rộng có hàng chữ in nghiêng “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” trong tâm hồn tuổi thơ tôi trào dâng lên một niềm khát khao làm sao để cả thế giới này chỉ tràn ngập trong “tiếng cười” giòn tan của người với người.
Đường 181 qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm xuống cấp.  	Ảnh:  Đông Nam
Đường 181 qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm xuống cấp. Ảnh: Đông Nam
Tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa linh nhân kiệt, tôi thật sự hãnh diện với vẻ đẹp văn hóa và nếp sống thanh lịch của người Hà thành. Chấp hành kỷ cương phép nước chính là thước đo văn hóa của người dân nơi đây. Văn hóa giao thông là hành vi văn hóa được thể hiện trong lĩnh vực giao thông, trong quá trình đi lại trên đường. Nét đẹp đó biểu lộ bằng cái đúng, cái phải, cái đẹp, cái thiện của ứng xử giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Nó xuất phát từ sự hiểu biết, ý thức tôn trọng luật pháp được chuyển biến thành hành động, thành đạo đức, lương tâm và trách nhiệm công dân của mọi người. Để mảnh đất ngàn năm văn hiến mãi tươi đẹp trong trái tim của bạn, của tôi, chúng ta cần có ý thức tự giác xây dựng văn hóa giao thông, phòng tránh TNGT.

 Vậy nhưng ở Hà Nội, TNGT xảy ra thường xuyên đôi khi lại do nhiều nguyên nhân khách quan. Hàng ngày, tôi dạo bước trên con đường 181 đoạn chạy qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm để đến ngôi trường mình theo học. Tuyến đường với hàng trăm lượt xe đi lại mỗi ngày, với đủ các loại xe to, xe nhỏ. Thế nhưng do mặt đường quá xấu nên mỗi khi trời mưa thì bùn đất lầy lội, trời nắng thì bụi bay mù mịt khiến rất nhiều người tham gia giao thông qua đây không ít lần bị té ngã, rất nguy hiểm. Đã nhiều năm qua, tôi và các bạn luôn phải “vật lộn” trên đoạn đường “đau khổ” này. Vì con đường hư hỏng quá nhiều nên học sinh di chuyển bằng xe đạp đến trường phải đi trên vỉa hè – nơi đúng ra chỉ dành cho người đi bộ. Đường xuống cấp trầm trọng còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho các phương tiện mỗi khi lưu thông qua đây do đi vào “ổ gà, ổ voi” giăng bẫy. Các lỗ này mới đầu rất nhỏ, nhưng do chậm được sửa chữa nên ngày càng mở rộng thành “hố tử thần”, có thể lọt cả nửa bánh xe máy, xe đạp xuống. Nhiều trường hợp xe bị chệch bánh do tránh chướng ngại vật, lao vào xe khác gây tai nạn nghiêm trọng. 

Những ngày đi học phải mặc đồng phục đi dọc theo tuyến đường 181 này mới thấm thía hết sự vất vả. Ngày mưa thì đường biến thành… ruộng, tôi và các bạn phải mò mẫm mà đi, ngày ngày hai buổi đến trường luôn nơm nớp lo sợ trượt ngã. Quần áo bê bết đất cát, có bạn bị ngã xe ướt sũng phải quay về nhà thay quần áo mới. Nhiều bạn sợ chậm giờ học phải mang theo quần áo dự phòng để đến lớp thay. Mưa lầy lội là vậy còn nắng thì biến thành đống bụi khổng lồ, ngột ngạt vô cùng. Đi đường lúc nào tôi và các bạn cũng phải bấm còi thật to để cảnh báo phương tiện giao thông phía trước do bụi mù mịt che tầm nhìn. Vào giờ cao điểm, vốn là đoạn đường huyết mạch của phố Keo, hai đầu đoạn đường lại có nhiều trường học, công sở nên rất nhiều người tham gia giao thông. Mặt đường xấu nhưng người và xe cứ phải chen chúc nhau mà đi.

Đối với các tôi, được cắp sách đến trường là hạnh phúc, được tham gia giao thông an toàn là niềm vui.  Thế nhưng, vì tuyến đường 181 xuống cấp một cách nghiêm trọng, “ổ voi”, “ổ gà´” xuất hiện dày đặc, nắng thì khói bụi bay khắp nơi, mưa thì sình lầy... khiến cho việc đi học của tôi và các bạn trở nên vô cùng gian nan, nguy hiểm. Nhiều năm đi học qua đoạn đường sợ nhất là mùa mưa, các ổ gà, ổ voi biến thành vũng nước, xe quá tải liên tục cày nát tuyến đường vốn đã hư hỏng nặng. Giá như đường được tu sửa thì tôi mừng biết mấy...

Trong tháng ATGT, trường tôi không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức của học sinh trong việc chấp hành đúng luật giao thông. Thiết nghĩ, để thu được hiệu quả cao trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ va quệt, TNGT thì công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông, cụ thể là tuyến đường 181 cũng cần được quan tâm. Từ đó, đảm bảo giao thông thuận lợi, tránh ùn tắc, lại đảm bảo văn minh. Đặc biệt ở con đường đã từng xuống cấp như con đường quê tôi nên chăng chỉ cho phép xe tải ben loại nhỏ lưu thông. Dù ở các tuyến đường có biển báo tải trọng, nhưng đối với các chú, các bác tài xế, có lẽ cần quy định cụ thể hơn mới mong họ chấp hành… Nếu những việc trên được thực hiện, tôi tin rằng, TNGT hay những vụ va chạm sẽ được giảm bớt rất nhiều.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần