Hàng trăm người đã ghé thăm triển lãm trong ngày đầu mở cửa, trong đó không chỉ có lớp người sống gần kề với giai đoạn lịch sử đó mà còn nhiều gương mặt trẻ muốn tìm hiểu về kho tư liệu phong phú lần đầu được công bố.
Lần đầu công bố khối tư liệu quý
Đây không phải lần đầu tiên những tư liệu về Hồ Chủ tịch với nước Nga được công bố rộng rãi đến công chúng. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Văn thư lưu trữ quốc gia III, Viện Lưu trữ lịch sử chính trị, xã hội quốc gia Nga cùng bắt tay công bố một khối tài liệu đồ sộ (hơn 200 tài liệu, hiện vật), trong đó có nhiều tài liệu mới được giải mật để công bố.
Với những tài liệu như Giấy thông hành 1829 của Đại diện toàn quyền Liên bang Xô viết tại Berlin cấp cho SChen Vang (Nguyễn Ái Quốc) để đến Nga, hay giấy chứng nhận ngày 11/12/1923 của Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản cấp cho Nguyễn Ái Quốc ở ký túc xá LUX, tiếp đến là Thẻ công vụ số 56 giúp Hồ Chủ tịch được phép tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ năm 1924... đã từng được những cán bộ lưu trữ của hai quốc gia Nga, Việt mừng rỡ đến rơi nước mắt khi bất ngờ tìm thấy cách đây gần 10 năm. Sau một thời gian giải mã, bảo tồn những tài liệu này được công bố trong triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ". Triển lãm không chỉ tái hiện phần Người đi tìm hình của nước, hành trình qua nước Nga, hay khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với nước bạn qua các chuyến thăm, tiếp đón; mà triển lãm còn gửi đến người xem quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga.
Có mặt trong buổi lễ khai mạc triển lãm, ông A.K.Sorokin - Giám đốc Viện Lưu trữ lịch sử chính trị, xã hội quốc gia Nga chia sẻ: "Đối với các công dân Liên bang Nga thì đối tượng của lòng tự hào đặc biệt đó là việc Liên Xô, mà quốc gia thừa kế là Liên bang Nga đã nhiều lần chìa bàn tay hữu nghị cho Nhân dân Việt Nam trong những giây phút khó khăn nhất trong lịch sử. Trong suốt nhiều thập kỷ, Nhân dân hai nước chúng ta đã gắn bó với nhau bởi sự hợp tác mà những trang lịch sử của nó cho đến hôm nay vẫn giữ nguyên tính cấp thiết. Phần nhiều nhờ cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sự hợp tác này giữa hai nước đã có được tính chất xây dựng và hiệu quả. Các nhà lưu trữ học và sử học của Việt Nam cùng Liên bang Nga tập trung sự quan tâm đến các văn bản lưu trữ với mục đích biến kinh nghiệm lịch sử trong hợp tác giữa hai nước thành công cụ, rút những bài học lịch sử cho sự phát triển phía trước".
Hành trình đi tìm tư liệu
Để có được cuộc triển lãm với khối tài liệu, hiện vật đồ sộ như hôm nay, ít ai biết được rằng cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Văn thư lưu trữ quốc gia III đã có gần 10 năm ròng rã nghiên cứu, kiếm tìm lịch sử, gặp gỡ nhân chứng và liên tục đi lại với nước Nga. Theo trí nhớ của chị Phạm Thị Lai - nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh: "Ngay từ đầu những năm 2000, Bảo tàng đã lên kế hoạch, thành lập một tổ chuyên nghiên cứu về hành trình của Bác Hồ với nước Nga". Chị Phạm Thị Lai còn nhớ buổi đầu tiên đặt chân xuống Sân bay Domodedovo (Matxcova) với bao ngỡ ngàng, thế nhưng qua hơn một tháng tìm kiếm, làm việc với cơ quan Viện Lưu trữ lịch sử chính trị, xã hội quốc gia Nga, cơ quan lưu trữ lớn nhất nước Nga - thu thập được một chiếc vali nặng trĩu tài liệu quý thì chị hiểu rằng tháng ngày đó là quãng thời gian làm việc ý nghĩa nhất của mình.
Cũng như bao thế hệ đã từng gắn bó với nước Nga, cứ mỗi dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày cách mạng tháng Mười Nga, dịch giả Thúy Toàn - Giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam lại thấy xốn xang kỷ niệm. Đến tham dự triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ", ông ngỡ ngàng về khối tài liệu đồ sộ cũng như cách sắp xếp khoa học theo tiến trình thời gian. Với dịch giả Thúy Toàn, triển lãm là cách nhắc nhở thế hệ U70, sống gần kề với thời kỳ lịch sử quang vinh đó nhớ về nước Nga; đồng thời cũng là cách để những người trẻ biết được truyền thống "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ" sẽ trưng bày đến hết ngày 5/12 để từng thế hệ người Việt Nam, trong đó có cả các bạn Nga đang làm việc tại mảnh đất hình chữ S hướng về lịch sử.
Ông A.K.Sorokin - Giám đốc Viện Lưu trữ lịch sử chính trị, xã hội quốc gia Nga giới thiệu tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại triển lãm. Ảnh: Phạm Hùng
|