Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam cần giải quyết khi hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 5/12, Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển (VDPF) 2015 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Diễn đàn.

Chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động còn lớn trong khi năng suất lao động còn thấp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn hạn chế, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng lên… là vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập cạnh tranh được các diễn giả chỉ ra tại Diễn đàn.

Nguồn nhân lực và vốn phải được sử dụng hiệu quả

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị bước sang một nhiệm kỳ Chính phủ mới và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn với khu vực và quốc tế. Vì vậy, tại Diễn đàn lần này, Chính phủ mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, nhận xét từ các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những mục tiêu, định hướng cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, đặc biệt là giải pháp mang tính chiến lược.
Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển (VDPF) 2015 đang diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển (VDPF) 2015 đang diễn ra tại Hà Nội.
Gần đây nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tốc độ năng suất lao động của Việt Nam giảm từ 5,3% năm 2006 xuống 3,3% năm 2013.

 Động lực chính của năng suất là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang chế tạo và dịch vụ. Tăng năng suất lao động nội ngành vẫn rất thấp. “Khi xu thế mức tăng năng suất lao động giảm dần là vấn đề đáng quan ngại. Mức tăng năng suất lao động Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.

Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc)" - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo.

Giám đốc WB Việt Nam phân tích hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong khi đó, tỉ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Thâm hụt ngân sách vẫn còn lớn trong khi chi thường xuyên tăng lên. Với thâm hụt ngân sách lớn, nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo bà Kwakwa, tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.

Các đối tác phát triển cho rằng, cần ưu tiên cung cấp thông tin rõ ràng hơn về việc sử dụng nguồn vốn ODA cho các lĩnh vực xã hội. Khi các nguồn viện trợ đa phương giảm và VN tốt nghiệp nguồn vốn vay ODA ưu đãi thì cần một chính sách rõ ràng để hướng dẫn các nguồn đầu tư trong tương lai cho những lĩnh vực này.

Các đối tác phát triển kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với nhau để đưa ra hướng dẫn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA không ưu đãi nhằm hỗ trợ cho các nguồn đầu tư trong các lĩnh vực xã hội.

Cải cách triệt để DNNN

Số liệu kinh tế cũng cho thấy nguồn lực đang bị định hướng đến những hoạt động không hiệu quả. DNNN nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và một phần rất lớn tín dụng DN. Thêm vào đó ước tính DNNN sử dụng khoảng 70% diện tích đất kinh doanh. Tuy nhiên nhiều DNNN hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc lãi không đáng kể.

Sau 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực tư nhân của Việt Nam vẫn yếu và mong manh. 97% DN tư nhân trong nước là DN vừa và nhỏ. Điều đáng lo hơn là khi các DN tư nhân gia tăng quy mô họ lại kém hiệu quả hơn. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy doanh thu trên tài sản và doanh thu trên lao động của các DN có trên 300 nhân công thấp hơn đáng kể so với các DN có dưới 100 nhân công. Mặc dù có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN tư nhân, vẫn có nhiều hạn chế kinh doanh ở VN.

Số DNNN được cổ phần hóa đến nửa đầu năm 2015 đã cao hơn rất nhiều so với những năm trước, tuy nhiên, đánh giá chung là vẫn khó thực hiện do sự phức tạp của những DNNN còn lại, “gần đây Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố sẽ cổ phần hóa hoàn toàn 10 DNNN đang làm ăn có lãi có thể sẽ tiếp thêm đà cho quá trình cổ phần hóa này”, báo cáo của WB chỉ ra.

Có nhiều biện pháp được các tổ chức quốc tế khuyến nghị tại diễn đàn là cải thiện quản trị DNN, yêu cầu công khai thông tin của DNNN, thoái vốn từ các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành mạnh mẽ hơn. “Là một quốc gia có thu nhập trung bình, VN hiện đang ở trong một thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển đất nước. “Khi VN hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu thong qua TTP và các Hiệp định thương mại tự do khác, điều quyết định là VN thực hiện các giải pháp cải cách toàn diện và hiệu quả để nâng cao hiệu quả và năng suất của nền kinh tế để cạnh tranh thanh công trên thị trường toàn cầu. Thể chế thị trường hiệu quả và quản trị kinh tế thông minh là quyết định trong cuộc thi toàn cầu này. Nhìn từ nhiều góc độ, một giai đoạn Đổi mới thứ hai là cần thiết để đối phó với các thách thức đang ngày một gia tăng” bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc phát biểu.

Ứng phó với biến động tài chính thế giới

Ông Jonathan Dunn, Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam đánh giá cao cải cách khu vực ngân hàng. Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu còn chậm do những trở ngại về pháp lý và các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu bán cho VAMC trong khoảng thời gian từ 5-10 năm theo cách tiếp cận hiện nay.

Theo ông Jonathan Dunn, cần tăng cường nỗ lực cổ phần hóa các NH thương mại Nhà nước và tái cấp vốn cho các ngân hàng với nguồn vốn từ các cổ đông mới hoặc hiện tại. VAMC nên có nguồn lực và nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết để nhanh chóng xử lý các khoản nợ xấu và bán tài sản thế chấp.

Cũng theo đại diện IMF tại VN, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn đan xen, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất có thể làm tăng tính bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu và tăng khả năng tác động lan truyền tới nền kinh tế VN.

“Xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại hội nhập quốc tế”

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương lắng nghe và trực tiếp đối thoại thẳng thắn nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm, biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và các Đối tác phát triển, đồng thời vui mừng thấy rằng những khuyến nghị của các đối tác tại Diễn đàn.

Thủ tướng khẳng định, bối cảnh tình hình mới đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp toàn diện và mang tính dài hạn để nâng cao tính độc lập, tự chủ huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển bền vững. “Diễn đàn năm 2015 với chủ đề Hướng tới cạnh tranh tăng trưởng toàn diện, bền vững là phù hợp với trọng tâm chính sách của Việt Nam trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khái quát 4 trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường. Hai là đảm bảo phát triển nhanh bền vững không ngừng nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; Hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN tập trung vào vai trò tạo dựng thể chế, luật pháp, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, xây dựng một nền hành chính hiện đại chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm lấy phục vụ nhân dân và lợi ích quốc gia là mục tiêu cáo nhất, cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển, kinh doanh nhất là khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; Bốn là phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, chủ động hội nhập quốc tệ tạo mọi điều kiện để phát triển doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

“Đây là một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao hướng tới hành động và đối tượng bao phủ hơn. Những ý kiến quý báu của các đối tác trong hội nghị sẽ được các cơ quan chức năng tham khảo, tiếp thu trong việc đề ra những giải pháp thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 gắn với Mục tiêu Phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc” Thủ tướng kết luận.