Những "xác chết" trên thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lạm phát cao, lãi suất cao và đồng tiền giảm giá là những nhân tố tạo nên “một cơn ác mộng”, khi các công ty bất động sản tăng chi phí marketting lên gấp ba nhưng chỉ bán được không đến 30% số căn hộ. Một số công ty bất động sản hàng đầu đã trở thành những con nợ lớn.

Toà tháp Bitexco 68 tầng là toà nhà cao nhất Việt Nam hiện nay. Được khánh thành từ năm 2010, toà nhà này có một sân bay trực thăng ở tầng 50 và có thể được nhìn thấy từ khắp mọi phía của TP.HCM.

Tuy nhiên, hiện nay nó không hẳn là niềm tự hào của người chủ. Gần 18 tháng sau, một nửa diện tích trong toà nhà hoàng tráng này vẫn trống không và không một tầng nào trong số 6 tầng dành cho bán lẻ được mở cửa. Cuối năm ngoái, lãi suất tăng lên đến 23%/năm, và đã có nhiều lời đồn đại rằng người chủ đang tìm cách bán toà nhà để thanh toán các khoản vay đầu tư. Tuy nhiên, công ty đã bác bỏ những tin đồn này.

“Bitexco Financial Tower  là niềm tự hào của chúng tôi, chúng tôi không định bán”, ông Vũ Quang Hội, chủ tịch Bitexco cho biết. “Đây là một thời điểm khó khăn trong kinh doanh nhưng chính vì thế mà chúng tôi cần phải tiếp tục đầu tư hơn nữa”. Công ty Bitexco đã đầu tư vào hàng chục dự án, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, năng lượng và khai khoáng.

Không phải tất cả mọi người đều có cùng quan điểm này. Có hơn 20 khu đất “vàng” trong thành phố, vốn đã được quy hoạch để phát triển – nhưng chỉ có hai dự án đã hoàn thành và hai dự án khác đang trong quá trình xây dựng, 16 dự án khác vẫn im lìm. Hoạt động cho thuê văn phòng hạng A đã giảm gần 50% kể từ năm 2009.

Lạm phát cao, lãi suất cao và đồng tiền giảm giá là những nhân tố được CBRE Vietnam nêu lên trong báo cáo tháng 1 như là “một cơn ác mộng”, khi các công ty bất động sản tăng chi phí marketting lên gấp ba nhưng chỉ bán được không đến 30% số căn hộ chào bán. Một số công ty bất động sản hàng đầu, cả tư nhân và nhà nước đã trở thành những con nợ lớn. Và mặc dù không ai trong số đó tuyên bố phá sản nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục đầu tư với chi phí vốn cao như vậy.

Có một câu nói phổ biến trong thời gian này là “Đã đến lúc đi “nhặt xác” trên thị trường”.

Nhưng ai là xác chết? Lại có câu nói khác nữa về thị trường :”Không có tài sản nào xấu ở Việt Nam”. Các “ông lớn” ở Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái tài chính “nguy hiểm” của mình, lặng lẽ tiến hành những thoả thuận để cho những người có tiền mặt mua lại các toà nhà văn phòng, khu căn hộ và nhiều dự án dang dở khác với mức giá giảm kịch liệt. Mặc dù vậy, hiện nay phần lớn những dự án như thế đã bị các ngân hàng nắm giữ.

Don Lam, giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital, cho biết có ít nhất một ngân hàng lớn đã rà soát danh sách các khoản nợ xấu trong bất động sản để tìm cách vực dậy những dự án dở dang. Cách làm này sẽ cho phép các nhà đầu tư mới tiếp nhận các khoản nợ cũ, với điều kiện mức lãi suất sẽ được cố định trong hai năm.

Trong bối cảnh nhiều công ty gặp khó khăn, hoạt động mua bán và sáp nhập cũng bắt đầu sôi động từ năm ngoái và vẫn tiếp tục trong năm 2012. Chỉ số VN-Index, sau khi giảm 29% trong năm 2011, đã phục hồi 31% trong quý 1 năm nay, chủ yếu do sự thúc đẩy của hoạt động mua lại.

 

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu hơn 10 ngân hàng thương mại tái cơ cấu do những vấn đề về thanh khoản và nợ xấu. Ông Đặng Văn Thành, người sáng lập Ngân hàng TMCP Sacombank, một trong số những người giàu nhất Việt Nam trong năm 2010 dựa trên số cổ phiếu nắm giữ, đã bị mất quyền kiểm soát ngân hàng của mình.

Câu chuyện "đại gia" thuỷ sản Diệu Hiền vỡ nợ và đã xuất cảnh ra nước ngoài với lý do chữa bệnh cũng đang gây xôn xao dư luận. Là một nữ doanh nhân từng rất thành công và nổi tiếng ở Việt Nam, bà Diệu Hiền đã tham gia đầu tư rất nhiều dự án bất động sản trong những năm qua.

Tuy nhiên, sau khi thu được những khoản lợi nhuận kếch sù, hiện nay phần lớn các công trình đầu tư lớn của bà đang rơi vào cảnh dở dang và mất khả năng thanh toán. Tổng số nợ của công ty thuỷ sản Bình An, công ty xây dựng Diệu Hiền và cá nhân bà hiện đã lên đến 1.570 tỷ đồng. Hiện nay chồng bà và gia đình đang tìm cách bán các dự án và nhà máy sản xuất cá để trả nợ.

Đây là thời điểm lý tưởng cho những công ty dồi dào tiền mặt đang hăm hở tìm kiếm cơ hội thâu tóm. Masan Group, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, có đầu tư vào khai khoáng và ngân hàng, là một trong những ví dụ tiêu biểu. Với hơn 600 triệu USD tiền mặt trong tay, Masan Group đã mua 51% cổ phần Vinacafe trong năm 2011.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần