70 năm giải phóng Thủ đô

Niềm hạnh phúc tột cùng của thân nhân thợ mỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều phụ nữ ví cả quá trình theo dõi ấy như một cuộc sinh nở, sau những đau đớn của cơn chuyển dạ là niềm hạnh phúc tột cùng khi được ôm đứa con.

KTĐT - Nhiều phụ nữ ví cả quá trình theo dõi ấy như một cuộc sinh nở, sau những đau đớn của cơn chuyển dạ là niềm hạnh phúc tột cùng khi được ôm đứa con.

Tại khu trại nơi thân nhân những người thợ mỏ Chile trú ngụ, những gương mặt từng hằn nỗi lo lắng giờ dào dạt niềm vui nhờ cuộc giải cứu thần kỳ.

Các mẹ, các anh em trai, các chị em gái, của những người thợ mỏ lúc trước đều nói về một sự thần kỳ nhưng với giọng rụt rè. Dường như họ sợ rằng họ đã vui mừng quá trước khi thân nhân của mình được lên mặt đất.

Tất cả đều nói lời cảm ơn tới đội cứu hộ, chúa, thánh bảo trợ các thợ mỏ. Họ đều nói rằng mình không thể diễn tả được bằng từ ngữ những cảm xúc đang trào dâng khi tận mắt chứng kiến cuộc giải cứu diễn ra an toàn, và khi các thợ mỏ lần lượt được đưa lên mặt đất.

Nhiều phụ nữ ví cả quá trình theo dõi ấy như một cuộc sinh nở, sau những đau đớn của cơn chuyển dạ là niềm hạnh phúc tột cùng khi được ôm đứa con.

Những người đàn ông thì ít nói hơn, nhưng mắt họ long lanh nước. Hạnh phúc, thở phào, biết ơn là những từ họ dùng để mô tả cảm xúc của mình.

Elizabeth Segovia đã bị khàn tiếng. Khi chị nhìn thấy đưa em trai Dario - người thứ 20 được cứu - chị gần như không biết nói gì. Chị khàn tiếng vì cảm xúc quá mạnh trào lên trong lúc chờ em xuất hiện.

Nhưng chị đâu có cần lời, gương mặt chị nói lên tất cả. Nó sáng bừng lên, trong khi chân chị gần như khuỵu xuống.

Chỉ trước đó vài giờ, chị đã ngồi hàng giờ đồng hồ nhìn trân trân vô định, với niềm hy vọng em trai Dario sẽ an toàn. Vẻ mặt chị lúc đó hoàn toàn tương phản với chiếc mũ rực rỡ kiểu Chile trên đầu. Giờ đây, gương mặt và chiếc mũ đồng cảm với nhau.

Có một sự căng thẳng tột độ trước khi giai đoạn cuối cùng của cuộc giải cứu bắt đầu. Mấy ngày trước đó, bầu không khí là vui. Hôm chủ nhật, mũi khoan lần đầu tiên chạm được căn hầm nơi những người thợ mỏ trú ngụ. Mọi người cười reo, nhảy múa, ca hát.

Nhưng đến hôm thứ ba, mọi chuyện thay đổi. Cho dù hàng trăm hàng nghìn nhà báo đổ đến, khu trại mang tên Hy vọng có vẻ yên lặng, căng thẳng. Thân nhân của các thợ mỏ, nếu có nói chuyện, cũng chỉ nói rất ít và khẽ.

Zulemy Barrios, chị của Yonny Barrios, một mình đi lên đồi cao, nơi gia đình đac cắm 33 lá cờ Chile, tượng trưng cho 33 thợ mỏ gặp nạn.

"Tôi cần một mình. Tôi muốn tránh xa mọi người, kể cả con gái tôi, dù nó là điểm tựa tinh thần lớn nhất của tôi", chị nói.

Zulemy thắp một cây nến bên cạnh lá cờ mang tên em trai và cầu nguyện em trở về bình yên.

Khi nhân viên Chữ thập đỏ gọi thân nhân thợ mỏ về ăn trưa, hầu như không mấy ai về. Và trong số những người về trại, không mấy ai ăn. Đến chiều, không khí chuẩn bị nóng lên. Trực thăng lượn vè vè phía trên, Tổng thống Sebastian Pinera đến.

Những người đã ở hai tháng qua ở khu trại lục tục kéo vào khu nhà tắm mà chính phủ dựng lên. Họ rửa sạch bụi đất ở chân tay, mặc quần áo tươm tất cho ngày trọng đại này. Gương mặt của họ thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng không thấy bóng dáng của niềm hạnh phúc.

Qua chiều, thân nhân các thợ mỏ được phát bản danh sách cho biết thứ tự các thợ sẽ được đưa lên. Trong một lúc, bầu không khí dường như loãng ra. Họ trao đổi với nhau, hỏi xem người nhà mình sẽ lên thứ mấy.

Sau những giờ phút chờ đợi tưởng như vô tận, những giây phút tim như ngừng đập, khoang cứu hộ dần dần hiện lên.

Zulemy Barrios cảm thấy tắc nghẹn trong cổ họng khi thấy khoang cứu hộ, và biết rằng em chị sẽ được nó đưa lên. Chị sẽ chờ, một tiếng một lần, rồi nhịp độ cứu hộ tăng lên, 15 phút một lần. Mỗi lần như thế, nỗi lo dần vơi đi trên gương mặt chị và những thân nhân khác, để đến lúc vỡ òa trong hạnh phúc và sung sướng. Toàn bộ 33 thợ mỏ đã được giải cứu, một cuộc giải cứu thần kỳ.