KTĐT - Khoảng 20 ngày sau thủ thuật, tôi tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ thông báo tôi đang mang thai một em bé. Cảm giác lúc đó như thể chúng tôi đã trúng số độc đắc vậy.
Tiến sĩ Chen Xi nhận được điện từ một người bạn, tâm sự về cuộc khủng hoảng gia đình. Trước khi cưới, cô và chồng đã nhất trí không sinh con, và cha mẹ hai bên đều đồng ý.
Tuy nhiên, giờ đây cha mẹ chồng muốn cháu, và cô buộc làm theo nếu không muốn ly hôn.
Cuộc điện thoại xảy ra một năm trước. Khi đó, người phụ nữ 41 tuổi này đã dùng thuốc tránh thai trong nhiều năm liền, nên cơ hội tốt nhất để có bầu đã qua đi.
Bác sĩ Chen, công tác tại Trung tâm y học sinh sản của Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, đã đề nghị đôi vợ chồng dùng đến công nghệ hỗ trợ sinh sản. Sau một cuộc kiểm tra tại bệnh viện của Chen, họ được thông báo cơ hội duy nhất để làm cha mẹ là thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF - trứng và tinh trùng gặp nhau ngoài cơ thể của người phụ nữ).
Tuy nhiên, các bác sĩ đã không thể lấy được trứng từ người vợ, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải đi xin.
May mắn thay, một bệnh nhân khác, từng mang thai thành công, đã hiến những quả trứng thừa của mình. Một trong số đó đã thụ thai thành công với tinh trùng của người chồng, và được chuyển vào tử cung người vợ. Cặp vợ chồng này giờ đây đang sẵn sàng đón chào đứa con ra đời.
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản xuất hiện tại Trung Quốc từ thập kỷ 1980, và ngày càng trở nên phổ biến. "Cứ 100 cặp vợ chồng Trung Quốc thì có từ 8 đến 10 cặp bị chẩn đoán vô sinh. Con số người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đang bùng nổ", Chen nói với China Daily.
Nếu như năm 2002, tại cơ sở của Chen chỉ có khoảng 200 đến 300 người điều trị bằng thụ tinh ống nghiệm, thì năm 2009, con số này đã vọt lên từ 800 đến 1.000.
Theo các bác sĩ, góp phần vào tỷ lệ vô sinh cao ở thành thị là việc sinh nở muộn và bệnh lý.
"Tuổi mang thai tốt nhất của phụ nữ là từ 23 đến 28. Tuy nhiên, một số phụ nữ ngày nay trì hoãn việc kết hôn đến cuối tuổi 20 và cố gắng có con trong độ tuổi 30, khi mà khả năng sinh nở đã giảm", Sha Aiguo, giám đốc Trung tâm Y học sinh sản ở Bệnh viện 174 PLA, thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến nhận định.
Bà đã làm việc với kỹ thuật này 11 năm. Trung tâm của bà mỗi năm thực hiện hơn 1.000 ca thụ tinh ống nghiệm.
"Viêm vòi trứng, viêm màng dạ con và hội chứng buồng trứng đa nang đang nổi lên là 3 bệnh hàng đầu gây vô sinh ở nữ giới", bà cho biết.
Ngoài ra, stress trong công việc, giá nhà cửa tăng vọt và chi phí chăm sóc trẻ đắt đỏ, cũng như môi trường sống ô nhiễm có thể có liên quan tới tình trạng này.
Bà Sha Aiguo nhớ lại khi Trung tâm Y học sinh sản mới thành lập, rất nhiều người đã hiểu lầm về nó. "Vì trứng được thụ tinh bên ngoài cơ thể, nên người ta cảm giác như đứa bé ống nghiệm không có mối liên quan di truyền với họ. Các cặp vợ chồng muốn giấu giếm kỹ thuật này, bởi họ cho rằng nó sẽ khiến họ mất mặt với bạn bè và họ hàng vì không thể sinh con".
Bà từng nhớ lại cơn giận dữ của một vị khách khi tình cờ đi ngang qua phòng mổ, nơi một phụ nữ đang sinh hạ một em bé thụ tinh trong ống nghiệm. Bà mẹ chồng kích động nói với cậu con trai: "Đứa bé này không thể được xem là giọt máu của nhà mình! Mẹ sẽ không chấp nhận nó là cháu nội!".
Nhưng ngày nay, khi tỷ lệ vô sinh tăng lên, ngày càng có nhiều người cởi mở với ý tưởng hỗ trợ sinh sản. Họ cũng đã hiểu thêm thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. "Sau tất cả, đây là lúc mà công nghệ có ảnh hưởng lên hầu hết các mặt đời sống của chúng ta", Sha nói.
Khi chị Wen Yang và chồng nghe lời khuyên của bác sĩ Chen sử dụng kỹ thuật thụ tnh ống nghiệm, cặp vợ chồng cảm thấy nhẹ người và vui sướng. Wen, 34 tuổi, làm việc tại Bắc Kinh, phát hiện cô bị tắc vòi trứng khiến không thể thụ thai.
"Chúng tôi đã vui mừng khi có được giải pháp cho vấn đề của mình", cô tâm sự. "Tôi thậm chí còn đùa với chồng rằng có thể chúng tôi sẽ có một cặp song sinh từ ống nghiệm, bởi vì bác sĩ đã đặt vài phôi vào tử cung".
Khi nói với cha mẹ về quyết định điều trị vô sinh của mình, cô nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Cha mẹ cô còn tới thư viện để đọc về kỹ thuật này và thảo luận phát hiện của họ với con gái, con rể.
Sha cũng cho biết một số người ở Phúc Kiến vẫn còn nặng nề quan điểm con trai hơn con gái. Có người mẹ từng sinh một con, nhưng không thể đẻ đứa thứ hai đã tới thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
"Họ van vỉ trong nước mắt, nói rằng chỉ có một đứa con trai là có thể cứu vãn địa vị của họ trong gia đình, nhưng chúng tôi không thể làm trái luật", Sha cho biết.
Từ kinh nghiệm của mình, bà cho rằng mặc dù quy trình để được làm mẹ của phụ nữ có nhiều biến chứng, đôi khi đau đớn, "song một vài anh chồng bộc lộ sự thiếu kiên nhẫn với liệu pháp này và không hề mềm mỏng với vợ".
Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục cho giới trẻ về việc sinh con.
"Không ít cô gái vô sinh vì phá thai nhiều lần. Chừng nào họ càng biết nhiều các biện pháp bảo vệ mình khi quan hệ tình dục, họ sẽ càng ít có nguy cơ trở thành 'cây độc không hoa' trong tương lai", chuyên gia nói.
L, 37 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh và là mẹ của cậu con trai 2 tuổi ra đời từ thụ tinh ống nghiệm, hồi tưởng lại câu chuyện về hành trình kiếm con của mình.
"Trong một thời gian dài sau cưới, chúng tôi không hề nghĩ đến trẻ con trong cuộc sống của mình. Chúng tôi không cảm thấy áp lực nhiều lắm từ cha mẹ chồng, bởi em trai của chồng tôi đã lấy vợ và có con. Khi nghề nghiệp ổn định, hôn nhân thuận hòa, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc có một em bé. Chúng tôi cảm thấy rất ghen tị mỗi khi thấy bạn bè và đồng nghiệp chơi với con họ. Tôi cảm thấy tiếng chuông báo động ở trong cơ thể mình.
Thử có con tự nhiên trong một năm, nhưng thất bại, chúng tôi đã đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhân dân, Đại học Bắc Kinh. Hóa ra chồng tôi có ít tinh trùng. Hai vợ chồng đã sốc, cảm thấy nản lòng vô cùng. Chúng tôi không bao giờ hình dung chuyện đó lại xảy ra với mình. Đáng lý chúng tôi đã có thai bất kể khi nào muốn chứ!
Hai chúng tôi không dám nói với cha mẹ về tình cảnh này, vì sợ họ lo lắng. Bác sĩ đề nghị làm thụ tinh ống nghiệm càng sớm càng tốt, vì chúng tôi đều đã ngoài 30, và cảm thấy thời gian còn rất ít, vì mỗi đợt trị liệu cũng kéo dài khá lâu.
Nghe lời khuyên, chúng tôi đã tuân thủ chặt hướng dẫn của bác sĩ. Nỗi sợ duy nhất là trứng thụ tinh không thể đậu lại. Chúng tôi sợ mình sẽ không chịu nổi nỗi thất vọng.
Khoảng 20 ngày sau thủ thuật, tôi tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ thông báo tôi đang mang thai một em bé. Cảm giác lúc đó như thể chúng tôi đã trúng số độc đắc vậy.
Tôi biết nhiều cặp vợ chồng ở trung tâm sinh sản này đã thực hiện nhiều kỳ trị liệu song đều thất bại. Vì thế, chúng tôi cảm thấy thật may mắn khi đã có bầu ngay lần thử đầu tiên.
Kỳ mang thai của tôi không khác mọi người nhiều, chỉ có điều tôi cực kỳ cẩn trọng. Chẳng hạn, tôi không xem tivi, sử dụng điện thoại hay máy tính. Đó là bởi tôi đã sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì vì sức khỏe của con mình. Không một lần nào trong suốt 9 tháng chờ đợi, tôi bận tâm tới giới tính của đứa trẻ.
Con trai tôi đã ra đời bằng cách mổ đẻ.
Tôi cảm thấy các cặp vợ chồng không nên trì hoãn việc làm cha mẹ. Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay đặt công việc lên hàng đầu, nhằm có đủ tài chính để lo cho con điều kiện học hành tốt nhất. Chúng tôi cũng từng nghĩ thế, và đã phải trả giá về điều đó".