Không trông chờ vào kinh phí Nhà nước, tác giả kịch bản cùng Nhà hát Cải lương Việt Nam đã tự tìm nguồn tài trợ để có kinh phí dàn dựng vở diễn tôn vinh anh hùng Mai Thúc Loan. Vở diễn có tên “Mai Hắc Đế” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, được Hội đồng nghệ thuật Nhà hát Cải lương Việt Nam “chấm” trong rất nhiều kịch bản đề tài lịch sử, bởi có căn cốt sân khấu, lại không đi vào lối mòn. Tổng kinh phí dàn dựng vở diễn lên đến gần 3 tỷ đồng, trong đó có 600 triệu đồng do Nhà nước đầu tư, còn lại là nguồn xã hội hóa.
“Tôi thực sự nể phục Nhà hát, vở diễn vượt xa kỳ vọng của tôi” - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã chia sẻ rất thật lòng khi “Mai Hắc Đế” ra mắt. Ông đã ấp ủ kịch bản lịch sử này từ sau cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu (2013) với mong muốn giới thiệu rộng rãi hơn tầm vóc của nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan. Tác giả kịch bản quả là “có duyên” với Nhà hát Cải lương Việt Nam, bởi năm 2013, kịch bản “Chuyện tình Khau Vai” của ông cũng đã được đưa lên sân khấu Nhà hát.
NSƯT Hoàng Đạt - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng công nhận, thiếu kịch bản hay là tình hình chung của sân khấu, đặc biệt trong giai đoạn cần nhiều vở diễn lịch sử tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, thì “Mai Hắc Đế” càng có ý nghĩa quan trọng. Vở diễn được giao vào tay đạo diễn Triệu Trung Kiên với quyết tâm phải nâng cao chất lượng vở diễn, phải thể hiện được tầm vóc của một vở diễn lịch sử. 140 diễn viên đã “vào cuộc” dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Trung Kiên, trong đó có NSƯT Vương Hà, Quang Khải, Minh Lý… Riêng 2 diễn viên đóng vai Mai Thúc Loan (Quang Khải) và Đinh Thị Ngọc Tô (Minh Lý) đều là gương mặt trẻ, từng được giải Vàng tại hội diễn sân khấu gần đây. “Với mong muốn vở diễn lịch sử thoát khỏi sự nhàm chán, lối mòn, chúng tôi tận dụng các phương tiện hiện đại như màn hình LED, hệ thống trang trí, ánh sáng chưa bao giờ có đối với sân khấu phía Bắc, suýt nữa rạp Âu Cơ không đủ chỗ kê bục đúng sự sáng tạo của họa sĩ. Đó không phải là sự phung phí hay khuếch trương, mà rất cần thiết cho vở diễn lịch sử quy mô” - đạo diễn Trung Kiên khẳng định.
Những người sáng tạo vở diễn này đều chung quan điểm: Hư cấu lịch sử không thoát ly sự thật lịch sử, vở diễn cần dung dị, sâu sắc song đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Quả là trong khi điện ảnh, truyền hình chưa làm được những tác phẩm tôn vinh anh hùng dân tộc xứng tầm, thì sân khấu với thế mạnh của mình đã bước đầu làm được. Như đạo diễn Trung Kiên chia sẻ: “Vở “Mai Hắc Đế” cho chúng tôi niềm tin, một số khán giả xem buổi diễn đầu tiên có phản hồi tốt, khẳng định chúng tôi lựa chọn kịch bản hoàn toàn đúng”.
Sau 3 đêm (27 - 29/1) công diễn ở Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), vở diễn “Mai Hắc Đế” sẽ có 2 đêm lưu diễn tại Nghệ An (3 và 4/3), đúng dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.
Vở cải lương“Mai Hắc Đế” gây tiếng vang trong đêm đầu công diễn. Ảnh: Anh Tuấn
|