Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm tự hào của người dân Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong phiên họp ngày 25/4, Hội đồng chấp hành của UNESCO đã thông qua Nghị quyết 191/EX32, kêu gọi mọi quốc gia cùng tổ chức vinh danh 93 nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới thế giới và khu vực trong 2 năm 2014 và 2015.

Trong danh sách này có danh nhân của Việt Nam là đại thi hào Nguyễn Du. Như vậy, đây là lần đầu tiên, đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO vinh danh chứ không phải lần thứ 2 như những hiểu nhầm trước đây.

 
Niềm tự hào của người dân Việt Nam - Ảnh 1
 
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du ở khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).Ảnh: Dương Quang

Không phải là "Danh nhân văn hóa thế giới"

Đã quá nửa thế kỷ nay, người Việt đã quen với khái niệm đại thi hào Nguyễn Du là "Danh nhân văn hóa thế giới". Chính vì vậy, thời gian vừa qua, khi có thông tin Hội Kiều học Việt Nam, Ban Quản lý khu di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh) làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Nguyễn Du là "Danh nhân văn hóa", đã tạo nên nhiều luồng ý kiến và tranh cãi trong công chúng và giới khoa học. Rất nhiều người cho rằng, đây là hành động xin công nhận "thừa", còn theo ý kiến của ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh: Đây là hành động hợp thức về mặt thủ tục.

 Tuy nhiên, ngày 23/5, một thành viên Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã chính thức xác nhận, trong lịch sử, UNESCO chưa từng công nhận hay vinh danh Nguyễn Du. Tên gọi "Danh nhân văn hóa thế giới" của Nguyễn Du do tổ chức Hòa bình thế giới công nhận năm 1965 cùng 8 danh nhân khác như Dante (Italia), Lômônôxốp (Nga)..., không phải từ UNESCO. Hai danh nhân Việt Nam từng được UNESCO vinh danh là Nguyễn Trãi (năm 1980) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (1987). UNESCO không chính thức sử dụng khái niệm "Danh nhân văn hóa thế giới" như trường hợp của các di sản văn hóa. Tuy nhiên, việc có danh nhân lọt vào danh sách đề nghị vinh danh của UNESCO luôn là vinh dự lớn đối với mỗi quốc gia thành viên.

Hiện nay, tiêu chí công nhận danh nhân của UNESCO ngày càng nghiêm ngặt. Nếu như những lần trước, các danh nhân được đưa vào danh sách phải có đóng góp lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên, xã hội và thông tin, thì nay tiêu chí công nhận nghiêm ngặt hơn cùng yêu cầu thời gian. Cụ thể, thời gian UNESCO kêu gọi thế giới kỷ niệm danh nhân phải trùng với tuổi 50 so với năm sinh hoặc năm mất của danh nhân đó. Chính vì vậy, thời điểm Nguyễn Du được đề nghị tôn vinh sẽ trùng với thời điểm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông vào năm 2015. Tháng 11/2013, Đại hội đồng UNESCO họp ở Paris (Pháp) sẽ chính thức ra quyết định vinh danh cho đại thi hào Nguyễn Du và 92 danh nhân khác trên toàn thế giới trong 2 năm 2014 - 2015.

Lộ trình kỷ niệm

Ông Võ Hồng Hải cho biết: "Những hoạt động kỷ niệm sẽ nằm trong lộ trình kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (tổ chức vào năm 2015) được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ VHTT&DL thực hiện. Hiện Sở VHTT&DL Hà Tĩnh đã xây dựng xong đề án kỷ niệm, chuẩn bị lấy ý kiến của Bộ trước khi trình Chính phủ. Trong đó, có các hoạt động hội thảo, biểu diễn văn hóa văn nghệ, kết nối thêm các tour du lịch đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân), quy hoạch tổng thể khu di tích…". Và chỉ chờ quyết định chính thức từ UNESCO, các hoạt động này sẽ được nối dài tại các nước trong cộng đồng UNESCO.

Theo TS Phan Tử Phùng, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, việc gửi hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Nguyễn Du đến từ sự gặp nhau về ý tưởng giữa Hội Kiều học và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Khởi điểm, Hội Kiều học muốn đề nghị xin công nhận Truyện Kiều là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Khi biết ý tưởng này chưa hợp lý (không đáp ứng được tiêu chí do cộng đồng sáng tác và gìn giữ), các nhà Kiều học lại có ý đưa "văn hóa Kiều" với các hoạt động ngâm Kiều, bói Kiều, lảy Kiều... để "ứng thí" trước UNESCO. Tuy nhiên, qua thảo luận, việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Nguyễn Du nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh là hợp lý hơn cả. Và sau 3 tháng chuẩn bị, vào ngày 15/1 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là danh nhân chính thức được gửi đi. Ngày 25/4, UNESCO quyết định tên tuổi của Nguyễn Du lọt vào 93/159 nhân vật trên toàn thế giới được xem xét lần này trở thành niềm tự hào vô giá của người dân Việt Nam.