Nín thở chờ FED quyết tăng lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dư luận thế giới tập trung theo dõi diễn biến cuộc họp thường kỳ của...

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dư luận thế giới tập trung theo dõi diễn biến cuộc họp thường kỳ của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được tổ chức vào ngày 16 - 17/9, nhiều chuyên gia đã lo ngại về những tác động của quyết định tăng hay không tăng lãi suất của định chế tài chính này tới các nền kinh tế châu Á.

Nhìn lại kịch bản năm 2008

Khi các nền kinh tế toàn cầu đếm ngược tới ngày FED tăng lãi suất đã khiến nhiều người nhớ lại cuộc khủng hoảng năm 2008 với sự lao dốc của các thị trường và sự hoảng loạn của nhà đầu tư. Một khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lãi suất, thị trường toàn cầu chắc chắn sẽ trải qua những biến động lớn do đồng USD tăng cao, dòng tiền tháo chạy khỏi châu Á và gây thiệt hại nặng về xuất nhập khẩu cho các quốc gia khu vực này.
Các nền kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Các nền kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Nếu tình hình hiện nay tương tự giai đoạn năm 2008, các nền kinh tế châu Á có lý do để lo sợ. Việc Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ lúc đó cùng những hệ lụy đi kèm khiến một loạt quốc gia dựa vào xuất khẩu (XK) nhanh chóng phải tìm kiếm những đối tác nhập khẩu đáng tin cậy hơn, không ngoài dự đoán, chính là Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, khi nền kinh tế Trung Quốc đang lao dốc, thị trường này không còn là lựa chọn hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi một khi có biến động.

Bên cạnh đó, nỗi lo sợ này có phần thái quá, bởi các nền kinh tế châu Á hiện khá vững vàng với hệ thống tài chính mạnh mẽ, minh bạch cùng lượng dự trữ lớn, khó có thể lặp lại kịch bản khủng hoảng tiền tệ năm 1997. Ngoài ra, một khi FED tăng lãi suất cơ sở, sẽ là minh chứng rõ nét cho sự ổn định của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu có thể phục hồi.

Bài học cho châu Á

18 năm sau cuộc khủng hoảng 1997, các nền kinh tế châu Á dường như đã rút ra được 2 bài học lớn: Sự nguy hiểm do quá phụ thuộc vào XK, rủi ro khi dựa vào một thị trường XK duy nhất. Bài học đầu tiên có lẽ vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ khi châu Á vẫn dồn lực cho hoạt động XK. Tương tự, với bài học thứ hai cũng vậy, doanh thu XK của các nền kinh tế mới nổi vẫn chủ yếu dựa vào 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng của khu vực châu Á kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khiến một loạt quốc gia khu vực này hút vốn đầu tư từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để gia tăng sản xuất, đắp vào nhu cầu bùng nổ của thị trường Trung Quốc. Chu kỳ này có vẻ sắp kết thúc khi kinh tế Trung Quốc chững lại, trong khi Washington và Frankfurt (Đức - trụ sở chính của Ngân hàng T.Ư châu Âu) có xu hướng thắt chặt tiền tệ. Điều này đặt áp lực nặng nề lên các chính quyền châu Á trong phát triển các ngành công nghiệp phi XK. Để tiếp tục tăng trưởng mà không bị ảnh hưởng bởi những biến động này, các nền kinh tế châu Á cần nỗ lực đa dạng hóa, phát triển nội lực hơn.

Nhìn lại giai đoạn 2004 - 2006, khi lãi suất của Mỹ tăng cao kỷ lục, thị trường châu Á vẫn có thể lớn mạnh nhờ động thái tăng từ từ và tiên liệu trước được ảnh hưởng. Do đó, nếu FED tăng lãi suất thì động thái này, thay vì trở thành cơn ác mộng cho châu Á, sẽ thức tỉnh đà phục hồi của khu vực trước những lo ngại từ Trung Quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần