KTĐT - Đến giữa tháng 3, đã có 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký dự án phát triển điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận. Tỉnh cấp chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, chấp thuận về chủ trương 6 dự án khác.
Theo Văn phòng phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận (EDO, thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh), chỉ trong tháng 3, tỉnh cực Nam Trung bộ này đã thu hút trên 35 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư khai thác năng lượng sạch từ gió, nắng.
Trong đó đáng chú ý là dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo Phước Nam Enfinity (Bỉ) có công suất 124,5 MW. Dự án phát triển điện bằng năng lượng gió này có tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 553 ha tại huyện Thuận Nam. Dự kiến trong năm nay, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án điện gió năng lượng mặt trời nữa, với tổng vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét: Ninh Thuận được đánh giá là một trong những vùng có tiềm năng phát triển năng lượng điện gió rất lớn với 14 vùng gió tiềm năng trên địa tích khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Ninh Phước và Thuận Bắc. Tốc độ gió đo được bình quân trong năm đạt 7,1 m một giây, ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 đến 500 W một m2 trở lên, cao nhất khu vực phía Nam.
Ninh Thuận còn là một trong những tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600-2.800 giờ, tổng nhiệt độ trong năm khoảng 10.000oC, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Trừ những ngày có mưa rào, hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời. Vùng đất này có đến 9 tháng nắng trong năm, tương đương 200 ngày nắng một năm. Do đó phát triển điện gió, năng lượng mặt trời đã trở thành chiến lược phát triển trọng tâm của Ninh Thuận, thành trung tâm du lịch và trung tâm năng lượng xanh của Việt Nam trong tương lai.