Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ công châu Âu chạm ngưỡng nguy hiểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã áp dụng nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng nhưng nợ công trong quý I/2013 của 17 nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn leo lên mức kỷ lục, chiếm tới 92,2% GDP và đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của những quyết sách mà lãnh đạo khu vực đã ban hành trong 3 năm qua.

Hy Lạp là nước đầu tiên trong Eurozone phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ nhất sau cuộc khủng hoảng năm 2008 nhưng nợ công của nước này đã lên tới 160,5% GDP tăng so với mức 156,9% của quý trước và 136,5% của cùng kỳ năm ngoái. Italia – nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone cũng có số nợ công tương đương 130,3% GDP. Không những thế, nếu Thẩm phán tòa án tối cao quyết định bắt giam cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi vì gian luận thuế, Chính phủ liên minh Italia có nguy cơ tan rã và đe dọa tới con đường phục hồi kinh tế của nước này. Trong danh sách các nước có nợ công tăng cao là Bồ Đào Nha với tỷ lệ 127,2% so với 112,3% của năm ngoái, Tây Ban Nha là 88,2% so với 73%. Không chỉ riêng khu vực Eurozone, nợ trong toàn EU cũng tăng, với 21 nước châu Âu bị tăng tỷ lệ nợ so với GDP vào cuối quý I/2013 so với quý IV/2012. Vương quốc Anh đã gây bất ngờ khi gia nhập danh sách những quốc gia có nợ công cao nhất châu Âu lên tới 75% GDP, ghi nhận mức nợ công cao nhất của London từ năm 1960.

 
Nợ công châu Âu chạm ngưỡng nguy hiểm - Ảnh 1

 
Biểu tình của công nhân Hy Lạp phản đối các chính sách tài chính và luật lao động mới. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, tình hình nợ công châu Âu diễn biến theo hướng tồi tệ hơn do những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) áp đặt đã không giúp ích nhiều trong việc lành mạnh hóa hệ thống tài chính của khu vực EU. Không những thế, đây dường như chỉ là kế hoạch cắt giảm công ăn việc làm và các dịch vụ xã hội, dẫn đến nạn thất nghiệp và nghèo đói đối với hàng chục triệu người trên khắp châu Âu.

Trước tình hình nợ công tiếp tục tăng tới ngưỡng nguy hiểm, lãnh đạo các nước thành viên Eurozone đã phải khởi động chiến dịch soạn thảo một chương trình bình ổn mới cho các nước nghèo hơn thuộc khu vực Nam Âu. Theo đánh giá sơ bộ của giới ngân hàng Anh, chương trình cho vay mới kể trên trị giá đến 50 tỷ Euro, trong đó riêng Hy Lạp đã cần đến 25 - 30 tỷ Euro vào mùa thu tới và 7 tỷ Euro có thể dành cho Slovenia để giúp nước này tránh được khủng hoảng hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, việc gói cứu trợ này chỉ được chính thức bàn bạc vào tháng 9 tới, sau khi kết thúc cuộc bầu cử quan trọng tại Đức có thể khiến diễn biến nợ công tại châu Âu trở nên xấu đi, đe dọa sự ổn định và thịnh vượng của lục địa già.