Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ công châu Âu vẫn là tâm điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bất chấp việc hệ thống ngân hàng Síp đã hoạt động trở lại sau 10 ngày bị đóng cửa, một nhóm điều tra đặc biệt về tình hình sức khỏe tài chính vừa được thành lập cũng không đủ sức xoa dịu sự phẫn nộ của người dân trước nguy cơ đảo quốc này sẽ bị vỡ nợ.

Để nhận được gói cứu trợ 10 tỷ Euro từ bộ 3 chủ nợ quốc tế, ngân hàng các khoản tiền gửi trên 100.000 Euro tại ngân hàng lớn nhất Síp sẽ chịu mức thiệt hại ban đầu là mất khoảng 37,5% tiền gửi. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, nếu ngân hàng cần thêm vốn để ổn định tình hình, khoản tiết kiệm trên có thể mất thêm 22,5%, nâng tổng số thiệt hại của các chủ tài khoản có thể lên đến 60% tiền gửi. Thông tin này vừa được lan ra đã lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và che mờ việc Tổng thống Nicos Anastasiades đã quyết định tự cắt giảm 25% lương, các thành viên nội các cắt giảm 20% lương và không nhận tháng lương thứ 13. Nhiều khả năng, trong tuần này, vấn đề nợ công của Síp vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên chính trường, thị trường toàn cầu.
 
Nợ công châu Âu vẫn là tâm điểm - Ảnh 1
Tổng thống Italia Giorgio Napolitiano đang tìm cách tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay ở Italia.

Giữa lúc châu Âu đang bận rộn giải quyết vấn đề của Síp, tình hình Italia cũng không khá hơn khi cuộc tham vấn của Tổng thống Giorgio Napolitano với các đảng phái nhằm thành lập một Chính phủ mới tiếp tục lâm vào tình trạng bế tắc. Dường như các bên đang cố tình mua thêm thời gian để thực hiện các cuộc vận động hành lang, trao đổi quyền lợi trước khi đi đến thảo thuận cuối cùng về cơ cấu của nội các. Dù Tổng thống Napolitano cam kết sẽ dốc sức dành những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay nhưng không ai dám đảm bảo rằng từ nay cho đến tháng 5, Italia có thể thoát khỏi tình trạng chính phủ "treo". Bất ổn chính trị kéo dài gần 2 tháng nay đã bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều như yêu cầu bức thiết của việc thay đổi luật bầu cử, cải cách hệ thống tòa án theo hướng hiệu quả hơn cũng như giúp Italia thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ suốt một thập kỷ qua.

Giữa lúc tình hình kinh tế toàn cầu chưa xuất hiện những dấu hiệu khả qua, các cuộc xung đột, bạo lực tại các khu vực như Trung Đông, châu Phi tiếp tục đặt thế giới đứng trước những lựa chọn khó khăn để giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề. Tại Cộng hòa Trung Phi, quân nổi dậy không những chiếm được Dinh Tổng thống mà còn dành quyền kiểm soát Bangui, đồng thời bắt đầu thực hiện chiến dịch trấn áp những người ủng hộ chính quyền. Còn tại Mali, sự hiện diện của hàng ngàn binh sĩ Pháp cũng không giúp tình hình Mali đi vào ổn định khi các vụ tấn công gây thiệt hại về người và tài sản vẫn diễn ra thường xuyên.

Tại Syria, trong khi phe nổi dậy Syria liên tục bao vây và tấn công toàn diện nhằm vào Damascus, việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 29/3 tuyên bố Washington đang xem xét áp đặt vùng cấm bay ở Syria cho thấy nhiều khả năng trong những ngày tới sẽ có những diễn biến bước ngoặt tại quốc gia Trung Đông này. Kịch bản Âu Mỹ can thiệp vào tình hình Syria càng được khẳng định sau khi có tin các nước thành viên NATO đang xem xét khả năng gửi lực lượng lục quân và hải quân đến Damascus để thực thi vùng cấm bay, như một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu vì xung đột ở Syria.