Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ công - không lạc quan nhưng không nên quá lo lắng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, 31/10, ngày đầu của tuần làm việc thứ ba, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Báo cáo tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Buổi chiều, các đại biểu họp tại tổ để thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015 và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015.

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách, tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra lo ngại với tỷ lệ nợ công của Chính phủ hiện nay. Theo ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) tình trạng ngân sách hiện nay như nhà đông con nhưng nghèo, nên ưu tiên làm gì cần cân nhắc kỹ và công khai cho dân biết. "Không thể nói nợ công ở mức 60 - 65% GDP theo công thức là vẫn an toàn, mà phải xét trong mối quan hệ với nhiều chỉ tiêu khác như chỉ tiêu khả năng trả nợ". ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) băn khoăn "nợ công của Việt Nam có thực sự ở mức an toàn khi so sánh với tình hình nhiều nước châu Âu, ba năm trước cũng khẳng định mức nợ vẫn an toàn nhưng đến giờ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ hàng loạt?". ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đưa ra 4 vấn đề cần cảnh báo về kinh tế: Thứ nhất, lạm phát tăng cao kéo dài trong suốt 5 năm qua, bình quân mỗi năm là 13%, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực; thứ hai, bội chi ngân sách kéo dài liên tục chưa có xu hướng cân bằng; thứ ba, nhập siêu liên tục trong nhiều năm với mức rất cao; thứ tư, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động do khó khăn, dẫn đến thất nghiệp gia tăng, đặc biệt hơn là nguồn thu ngân sách dựa vào nguồn thu thuế của các doanh nghiệp rất lớn. Do đó, ĐB Ngân đề nghị: "Cần trị cho được căn bệnh lạm phát mặc dù căn bệnh này rất lâu năm và trở thành kinh niên", trước mắt phải "cương quyết thắt chặt và kỷ luật sắt trong chi tiêu ngân sách Nhà nước, vì đây là tiền của dân".

"Trấn an" băn khoăn trên của nhiều ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31/12/2010, nợ Chính phủ là 47,5% GDP, nợ nước ngoài 42,2%, nợ công 57,3%. Ước tính hết năm 2011, mức nợ công còn 54,6%. Năm 2012 khoảng 58% nếu tính trên cơ sở tăng trưởng thấp (6%). Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, so với các nước, nợ của Việt Nam khác và "không lạc quan nhưng không nên quá lo lắng về nợ công". Ông Huệ giải thích, trong khi các nước phần vay thương mại nhiều thì cơ cấu nợ của Việt Nam chủ yếu là ODA, chiếm 75%, vay thương mại chỉ 7%. Với các khoản vay ODA, thời gian vay nợ dài, lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài. Cũng theo ông Huệ, mỗi năm, phần trả nợ của Việt Nam chiếm 14 - 16% ngân sách Nhà nước trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30%. Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị, Quốc hội cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công thì khoảng 60 - 65%.