Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống mức 6%, thấp hơn 0,2% so với báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) bán niên công bố ngày 7/6 và 0,6% điểm so với dự báo đưa ra hồi đầu năm (tháng 1/2016). Dự báo thận trọng hơn “Chúng tôi đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam do có những diễn biến mới phải cập nhật” - ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết. Theo giải thích của chuyên gia này, 2 yếu tố tác động đến việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gồm: Thứ nhất, sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, cùng với hạn hán và giảm sút trong sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Thứ hai, tăng trưởng GDP trong quý I/2016 của Việt Nam chỉ đạt 5,46% so với mức 6,12% trong quý I/2015. Quý 2 tiếp tục gây thất vọng khi chỉ đạt 5,52%, trong khi theo nghiên cứu của chúng tôi, quý 1 phải đạt 5,6%, quý 2 phải đạt 6,2% và các quý sau phải cao hơn mới tốt”.
Trong khi Việt Nam phải chịu nhiều rủi ro ở trong nước cũng như từ bên ngoài. Kinh tế Mỹ và khu vực EU (sau sự kiện Brexit) tiếp tục yếu đi hoặc đà giảm mạnh của kinh tế Trung Quốc đã và đang tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, tiến độ cải cách cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động của khu vực DN Nhà nước và kinh tế tư nhân diễn ra chậm, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Thêm vào đó quá trình xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng và trì hoãn củng cố tài khóa sẽ gây thêm rủi ro tới ổn định kinh tế vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Cũng theo dự báo của WB, lạm phát 2016 của Việt Nam sẽ cao hơn năm ngoái và cán cân thanh toán vãng lai sẽ thặng dư ở mức tối thiểu. Thâm hụt tài khóa ước tính sẽ vẫn cao và nợ công đang tăng lên, tiến gần mức 65%. “Chính phủ đã cam kết đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa. Vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn. Các nỗ lực giảm nhẹ mất cân đối tài khóa cần được phối hợp với cải cách nhằm tạo khoảng đệm tài khóa để đảm bảo thực hiện một số hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công” - các chuyên gia của WB khuyến cáo. Tập trung hỗ trợ các hoạt động kinh tế Theo WB, Việt Nam vẫn rất cần tiếp tục tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng hiện nay nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ đã dần chạm ngưỡng, trong khi kết quả thu ngân sách đầu năm 2016 cho thấy áp lực ngân sách sẽ tiếp tục kéo dài. “Như vậy, để thúc đẩy tăng trưởng và giữ mục tiêu 6,7% như đề ra, gánh nặng lên vai Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất lớn” - ông Achim Fock, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh. Theo WB, tín dụng đã tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm ở mức gấp 3 lần tăng trưởng danh nghĩa. Nhằm giải quyết quan ngại về chất lượng tín dụng tăng do tăng trưởng nóng ở một số ngành NHNN cần tăng cường các biện pháp quản lý thận trọng. Dù đánh giá cao ngành NHNN đã áp dụng các biện pháp theo từng giai đoạn, trong đó gồm giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tăng trọng số rủi ro đối với cho vay bất động sản. Tuy nhiên, định chế tài chính này cũng lưu ý, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung vẫn giữ ở mức 18 - 20% trong năm nay cho thấy định hướng chính sách là vẫn tập trung vào hỗ trợ các hoạt động kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và có thể buộc các cơ quan quản lý phải cân nhắc việc nới lỏng chính sách. Cũng theo đại diện của WB, quản lý rủi ro, giảm thiểu sự cố về môi trường là rất quan trọng bao gồm ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch… Nhất là hiện nay Việt Nam đang mở rộng công nghệ chế tạo. Và sự cố về môi trường vừa xảy ở một số tỉnh miền Trung cũng cảnh báo việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Điểm giao dịch VietcomBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh |