Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ công - lo nhất là khâu quản lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trao đổi với phóng viên báo KT&ĐT về vấn đề nợ công hiện nay, chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, mặc dù được khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn, song vấn đề phải làm sao kiểm soát nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công để không có thất thoát, lãng phí.

Nợ công - lo nhất là khâu quản lý - Ảnh 1
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, đến hết 2011, tổng số dư nợ công bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010 và khẳng định Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Khái niệm thế nào là an toàn cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Quan trọng nhất là phải xem xét khả năng trả nợ của nền kinh tế. Không xem xét kỹ rất khó có thể đánh giá thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn. Nếu kinh tế phát triển tốt, xuất khẩu tốt, có dự trữ ngoại hối thì không thành vấn đề. Nhưng một nền kinh tế vay nhiều nhưng hoạt động không tốt, sản xuất đình đốn, không đủ có khả năng trả nợ, không đủ ngoại hối để đảm bảo thanh khoản trả nợ... là có vấn đề.

Ông nhìn nhận thế nào về mục tiêu Chính phủ đặt ra nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, điều gì là áp lực của Việt Nam đối với nghĩa vụ trả nợ sau này?

- Việt Nam là một nước đang phát triển nên không tránh khỏi cần đi vay để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nếu xét về cơ cấu, đến bây giờ, khả năng trả nợ của Việt Nam, với những khoản vay dài hạn như thế, chưa có vấn đề gì. Riêng với nợ nước ngoài, phần lớn là nợ ODA, nợ của Chính phủ với lãi suất tương đối thấp, từ 1 - 3%, với thời hạn tương đối dài. Tuy nhiên, thời gian tới khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và chúng ta phải đi vay với mức kém ưu đãi hơn, phải chịu chi phí nhiều hơn, đấy sẽ là áp lực. Đặc biệt, khi chúng ta đang thực hiện nhiều dự án lớn như Metro ở TP. HCM, Hà Nội, hệ thống đường cao tốc…

Nợ công - lo nhất là khâu quản lý - Ảnh 2
Đường Vành đai 3 trên cao vốn ODA (Nhật Bản) mới đưa vào sử dụng đã đạt hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Hùng Huy  
 
Tôi cho rằng, con số hiện nay tuy chưa đáng lo nhưng lo ngại lớn nhất lúc này là vấn đề quản lý nợ công, nếu không quản lý tốt, đến một lúc nào đó nó sẽ thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế và toàn xã hội.

Xin ông nói cụ thể hơn về vấn đề này?

- Nợ công của Việt Nam hiện có nhiều rủi ro: Rủi ro lớn nhất xuất phát từ việc chi tiêu và đầu tư công kém hiệu quả. Ở Việt Nam đang có vấn đề rất nghiêm trọng, đó là nạn tham nhũng và rút ruột các công trình đầu tư từ nợ công. Thí dụ như đường sá người ta xây 20 năm không hỏng nhưng mình xây 2 - 3 năm đã lại bóc lên rồi, hoặc chỉ sử dụng được 10 năm là hỏng. Do tuổi thọ của các công trình quá kém nên cái giá phải trả cho các công trình quá cao nếu tính khấu hao; Rủi ro thứ hai là một bộ phận rất lớn nợ của các DNNN chưa được đưa vào trong các thống kê về nợ công. Khi không đo lường được sẽ không thể quản lý rủi ro mà nó có thể gây ra. Rủi ro thứ ba là nợ công có xu hướng tăng lên, trong khi thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao. 

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) từng khẳng định, Chính phủ không đứng ra trả những khoản tự vay của các DN. Vì vậy, chúng ta không đưa các khoản tự vay tự trả của doanh nghiệp vào nợ công?

- Nợ công của Việt Nam chỉ là nợ của Chính phủ, trong khi theo thông lệ quốc tế, nợ công phải bao gồm cả nợ của DNNN, nhất là ở Việt Nam nợ của DNNN có quy mô xấp xỉ với nợ của Chính phủ. Không ít tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo, mặc dù tự vay tự trả, nhưng cuối cùng, ngân sách vẫn phải chịu trách nhiệm với khoản nợ của DNNN. Chính vì thế phải quản lý thật chặt việc vay nợ của DNNN để kiểm soát được nợ công.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm nợ công, ngoài vấn đề kiểm soát chặt, chúng ta cần phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công hơn nữa, quan điểm của ông thì sao?

- Để  tăng cường việc giám sát và kiểm soát các chỉ số giới hạn về nợ đã được Quốc hội phê chuẩn trong từng giai đoạn, một mặt Việt Nam phải cắt giảm đầu tư công, mặt khác phải cải thiện hiệu quả các dự án đầu tư công, quản lý sử dụng vốn vay, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cũng nên xem xét thành lập Ban Giám sát nợ công để theo dõi và giám sát nợ công một cách sát sao, khách quan và độc lập. Ban Giám sát nợ công được quyền truy cập mọi thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương, DNNN, để từ đó có những tham mưu kịp thời cho Quốc hội. 

Xin cảm ơn ông!