Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ công năm 2011 tăng thêm hơn 9,6 tỷ USD?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu về cách tính nợ công, Bộ trưởng Ninh giải thích, theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 1/1/2009 thì nợ Chính phủ bao gồm nợ trong và ngoài nước được ký kết nhân danh Nhà nước và Chính phủ.

KTĐT - Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu về cách tính nợ công, Bộ trưởng Ninh giải thích, theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 1/1/2009 thì nợ Chính phủ bao gồm nợ trong và ngoài nước được ký kết nhân danh Nhà nước và Chính phủ.

Nợ công năm 2011 dự kiến tăng thêm 192.673 tỷ đồng (tức 9.637 triệu USD) là rất lớn, đại biểu Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường lo ngại khi phát biểu tại phiên thảo luận về ngân sách của Quốc hội, sáng 3/11.

Theo đại biểu Vang, trong báo cáo của Chính phủ nói là nợ công tương đương 57,1% GDP, nhưng “tôi cũng tính lại chính bằng số liệu này, không phải 57,1% GDP mà 57,36% GDP”.

Ông Vang lo ngại, “từ con số không chính xác này chúng ta lại suy nghĩ rằng không biết con số nợ công kia có chính xác hay không vì vậy cho nên cần phải kiểm tra lại”. Cũng từ con số tự mình tính toán, đại biểu Vang cho rằng “khả năng nợ công của chúng ta là 64.991 triệu USD là rất lớn”.

Cùng mối quan ngại về tính chính xác của con số về nợ công, mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết dẫn tính toán của một chuyên gia kinh tế, rằng nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp Nhà nước, thì nợ công Việt Nam không dưới 70% GDP. Vì theo báo cáo giám sát của Quốc hội, thì riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp Nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP.

Đại biểu Thuyết cũng băn khoăn, vì sao báo cáo của Chính phủ chưa cho biết cơ cấu của khối nợ công như thế nào, có bao gồm nợ xấu không? Hay là toàn nợ đẹp, hay đã là nợ công thì không phân biệt xấu, đẹp?

Khó có thể yên tâm khi nợ công của ta tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) cũng tăng tới gần 2 chữ số. Tức là chi ra 10.000 đồng thì được lãi có 1.000 đồng. “Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của nợ công bền vững, và như vậy có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó”, ông Thuyết tiếp tục.

Đồng ý với đại biểu Thuyết, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải nói rõ xem nợ công bao nhiêu là ngưỡng an toàn, 30, 40, 50 hay 60% GDP. “Còn bây giờ chúng ta cứ lúc nào cũng nói là ngưỡng an toàn”, ông Thuyền phân vân.

Theo quan điểm của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết thì mức an toàn nợ công bằng 50% GDP là do ta tự quy định, trên cơ sở tham khảo một số tổ chức trên quốc tế. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ, khả năng trả nợ, tiềm lực kinh tế tài chính của mỗi quốc gia khác nhau. Do đó, “ta không thể tự cho rằng Việt Nam đang mức an toàn về tài chính quốc gia để an tâm trong điều kiện nhiều thách thức hiện nay”.

Được mời phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thể hiện sự đồng tình với nhiều ý kiến là “nếu cân đối ngân sách không phải đi vay thì không có gì hạnh phúc bằng chuyện đó, cũng giống như quản lý trong gia đình thu mà đủ chi là tốt nhất”. Song, theo Bộ trưởng, nhu cầu chi hiện nay là rất lớn.

Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu về cách tính nợ công, Bộ trưởng Ninh giải thích, theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 1/1/2009 thì nợ Chính phủ bao gồm nợ trong và ngoài nước được ký kết nhân danh Nhà nước và Chính phủ. Nợ công thì gồm có nợ Chính phủ cộng với nợ được Chính phủ bảo lãnh (kể cả trong nước và ngoài nước, kể cả doanh nghiệp và kể cả các tổ chức tín dụng). Thứ ba là cnợ của chính quyền địa phương. Nội dung trong báo cáo của Chính phủ là đã đúng với quy định của Luật Quản lý nợ công, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về chỉ tiêu, theo Bộ trưởng Ninh, không phải chỉ tổng nợ so với GDP còn phải tính trên trả nợ so với thu, trả nợ so với xuất khẩu, rồi cơ cấu nợ và tính rất nhiều các chỉ tiêu nữa.

“Hiện nay chúng ta trả nợ đầy đủ”, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định.