Biết tính gã trăng hoa nhưng chị không bao giờ nghĩ gã dám lăng nhăng với cả bà thông gia góa chồng. Nhiều người khuyên chị giải thoát cho mình nhưng gã cứ như món nợ cứ bám riết vào cuộc đời chị, khiến chị sống khổ sở ngay trong chính căn nhà mình.
Đã bao nhiêu lần chị phải đi viện vì trận đòn của chồng chị cũng không còn nhớ nữa. Người ta ái ngại khi nhìn vào những vết bầm tím khắp mặt, khắp người chị nhưng chị chẳng còn thấy đau. Bao nhiêu năm nay chị đã quen với thói vũ phu của chồng, nhất là khi phát hiện gã lăng nhăng bên ngoài.
Khi phát hiện chồng qua lại với cô gái lỡ thì làng bên, chị cứ tưởng gã sẽ quỳ mọp dưới chân vợ mà xin tha thứ. Ai dè, gã về nhà, thằng thừng tuyên bố lập “phòng nhì” bên đó và “tặng” chị một trận đòn cảnh cáo thừa sống thiếu chết. Chị đòi ly hôn, gã cười khẩy: “Đâu có dễ dàng thế”.
Từ đó, chị sống câm lặng ngay trong chính ngôi nhà mình. Gã cắt đứt với “phòng nhì” nhưng ngang nhiên đi lại với những người đàn bà khác. Chị coi như mù, không nhìn thấy gì cả nhưng gã đâu có để chị yên. Thỉnh thoảng, gã lại dựng chị dậy tẩn cho một trận cho đỡ buồn tay buồn chân.
Ngày cậu con trai đưa bạn gái về giới thiệu, chị thấy mừng thầm. Nhà có con dâu, biết đâu gã biết giữ sĩ diện, ít nhất là không đánh đập vợ nữa. Nhưng ngờ đâu, tai họa cuộc đời chị lại cũng bắt nguồn từ đó.
Bà thông gia sớm chết chồng nhưng cứ phây phây. Gả con gái vào nhà chị thì bà ta cũng lọt vào mắt xanh của chồng chị. Thấy gã cứ hăng hái chạy qua chạy lại giúp bà thông gia khi thì sửa mái nhà, khi thì đóng lại cánh cửa hỏng, dân làng đã bắt đầu ì xèo. Chị lựa lời nói với chồng, gã trừng mắt lên: “Muốn sống yên ổn thì ngậm miệng lại”.
Rồi gã ngang nhiên đi lại với bà thông gia góa chồng. Lần này chị phản ứng quyết liệt. Hậu quả là phải nhập viện cấp cứu. Đau đớn hơn, cô em chồng của chị cũng hùa vào với anh, đòi “đánh chết con mẹ” - là chị. Sau mấy cú đấm như trời giáng của chồng, cô em chồng cũng nhảy vào cứ cầm tóc chị mà kéo, mà tát. Thằng con trai của chị nhu nhược chẳng dám bênh vực mẹ nhưng nó cũng không dám đối mặt với cái cảnh đêm đêm bố mình mò sang nhà mẹ vợ nên bỏ vào miền Nam. Vợ nó được bố chồng bênh vực nên cũng chẳng xem mẹ chồng ra gì. Chị sống trong nhà mình mà cứ như là cái gai trong mắt mọi người.
Biết chuyện, cô con gái chạy về. Nó khóc, bảo “mẹ li dị đi”. Chị nước mắt ngắn dài. Chỉ cần nói đến hai từ li dị, chị biết cơn mưa đòn sẽ tiếp tục giáng xuống đầu mình. Có lần, chị vào buồng ngủ, sờ công tắc để bật đèn nhưng chẳng được. Mò mẫm trong bóng tối, chị vướng vào sợi dây điện và bị giật ngã lăn. Lồm cồm bò được ra ngoài kêu cứu, người ta chạy vào, bật đèn pin lên. Cái công tắc điện đã bị phá hỏng từ lúc nào, chỉ còn sợi dây treo lòng thòng ở đó! Người ta muốn giết chị! Mà người ta là ai? Chính là người đàn ông chị gọi bằng chồng.
Gã về, đôi mắt quắc lên. Túm tóc chị dúi đầu vào tường, gã gầm gè: “Tao không giết mày ngay đâu. Cũng đừng mong tao di dị. Tao sẽ hành hạ cho mày chết từ từ. Mày nói gì mà thiên hạ nhìn tao như một thứ giẻ rách. Tao cho mày hết nói luôn, hết nói luôn…”. Cứ mỗi từ “hết nói” là bàn tay to bè của gã giáng thẳng vào mặt chị.
Sau trận đòn, gã sang phòng khác ngủ, để mặc chị tê dại với nỗi đau đớn, nhục nhã. Chị toan với tay lấy nắm thuốc ngủ tích trữ trong ngăn kéo nhưng nghĩ đến đứa con gái đang học năm cuối đại học, sợ nó lỡ dở học hành nên không nỡ.
Gã bị tai nạn, khi đang chạy xe từ nhà bà thông gia về lúc mờ sáng. Cú ngã khiến gã bị chấn thương sọ não, trở thành người ngớ ngẩn. Thời gian đầu, khi gã mới nằm viện, bà thông gia cũng năng đi lại, chẳng màng tới những lời xì xầm, những ánh mắt dò xét của người khác. Nhưng khi biết gã ngớ ngẩn, đến đi vệ sinh cũng chẳng tự làm được thì bà thông gia cũng chẳng thấy mặt đâu.
Là vợ, chị đương nhiên phải gánh. Mọi việc từ thuốc thang, tắm rửa, đại, tiểu tiện của chồng đều đến tay chị. Chị hoàn thành bổn phận của một người vợ trong câm lặng như bao lâu nay phải sống như thế. Chỉ khác là không còn bị chồng đánh đập, không phải chứng kiến những lần chồng háo hức ra khỏi nhà mà chị biết mười mươi gã sẽ đi đâu.
Có người bảo chị bỏ quách đi, lúc khỏe mạnh, lành lặn gã có để cho chị yên thân đâu mà giờ lại làm khổ mình thế. Chỉ tặc lưỡi “thôi, đành xem như là cái nợ đời. Mình bỏ đi rồi, ai lo cho ổng”. Gã tiều tụy thấy rõ sau trận tai nạn, ánh mắt ngơ ngác, vô hồn cứ nhìn chòng chọc về phía trước. Không còn biết gì đến cuộc sống chung quanh, như thế có lẽ trời vẫn còn thương gã. Còn chị vẫn lẳng lặng với “món nợ” của đời mình.