Quyền lợi bị xâm phạm
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 7,5 triệu NLĐ đang làm việc trong các DN vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi về BHXH. Song, theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, việc khởi kiện DN trốn, nợ BHXH gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không nhỏ khiến công tác này chưa đạt hiệu quả là do bản thân NLĐ còn thờ ơ, chưa quan tâm tới quyền lợi chính đáng của mình. Thậm chí, nhiều NLĐ sau quá trình dài làm việc tại một DN cũng không biết rõ DN có đóng BHXH cho mình hay không, chủ DN nói thế nào nghe thế đó. Hay một số NLĐ sau khi viết đơn nghỉ việc, chuyển sang DN khác, muốn được nhận lại sổ BHXH để hoàn thiện hồ sơ làm việc nhưng khi lên phòng hành chính của DN hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời chờ đợi, còn chờ đến bao giờ thì nhân viên đó cũng không thể khẳng định được.
Như trường hợp anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty Lilama 3 (Hà Nội). Theo đó, do muốn chuyển việc, anh Hùng có làm đơn xin nghỉ và muốn chuyển hồ sơ BHXH sang công ty mới, nhưng công ty cũ cứ hẹn hết ngày này qua ngày khác khiến anh đi lại mất rất nhiều thời gian. Vừa qua, khi đọc một số báo, anh tá hỏa biết DN mình đã từng làm việc nợ BHXH tới hơn 25 tỷ đồng, nên thời gian 3 năm làm việc tại DN sẽ không có ý nghĩa gì vì không được đóng BHXH. “Nếu như trước đây, tôi quan tâm hỏi rõ đến việc DN đóng BHXH cùng việc yêu cầu DN cho xem sổ BHXH thì đã không mất trắng 3 năm đóng BHXH” - anh chia sẻ.
Anh Hùng chỉ là một trong số hàng nghìn NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi khi bị DN trốn, nợ BHXH. Thậm chí, có nhiều NLĐ dù biết nhưng vẫn chấp nhận, không dám đấu tranh vì sợ mất việc làm hoặc còn nuôi hy vọng mong manh vào một ngày DN sẽ vì tình nghĩa mà trả nợ. Hay nhiều DN đánh lừa NLĐ rằng thời điểm hiện tại, DN đang gặp khó khăn, khi nào DN làm ăn khấm khá sẽ đóng đủ toàn bộ BHXH cho họ. Hoặc do bản thân NLĐ không nắm được quyền được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là quy định của Nhà nước, chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc tham gia BHXH đối với bản thân. Cá biệt một số NLĐ còn cho rằng, việc đóng BHXH ảnh hưởng tới thu nhập bản thân khi đồng lương chưa cao, trong khi họ còn phải chi phí nhiều khoản cho đời sống sinh hoạt.
Tự bảo vệ mình
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, hiện tại chỉ có những người đã chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc ở DN mới chủ động, tự tin tố cáo DN nợ BHXH. Những NLĐ đang làm việc lại rất e dè trong việc khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn khởi kiện. Chính vì vậy, các cán bộ công đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khởi kiện. Theo ông Chính, NLĐ nên tìm hiểu kỹ về các chế độ chính sách lao động, Luật BHXH, sau thời gian thử việc, đề nghị DN làm thủ tục đăng ký BHXH; sau đó thường xuyên quan tâm về số sổ BHXH đã đăng ký ở đơn vị mình. “Cách đơn giản nhất là NLĐ nên thường xuyên vào trang web của BHXH Việt Nam và các tỉnh để theo dõi danh sách nợ BHXH. Nếu phát hiện ra DN mình đang làm việc không đóng BHXH cần có ý kiến, tránh tình trạng để lâu, tiền nợ BHXH tăng lên, đơn vị sẽ khó thanh toán” - ông Chính nhấn mạnh.
Về phía BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH đã yêu cầu cán bộ ngành BHXH thu nợ đóng bảo hiểm phải bám sát đơn vị, định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu trong vòng 15 ngày phải trả nợ. Nếu đơn vị khi nhận được thông báo vẫn không nộp tiền nợ bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm sẽ đến trực tiếp đơn vị làm cam kết trả nợ. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo danh sách những đơn vị nợ bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát để chuẩn bị tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ và trốn đóng BHXH.
Tại Hà Nội, những DN nợ đọng BHXH tập trung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông, bất động sản, cơ khí, dệt may... Trong 6 tháng đầu năm 2017, BHXH Hà Nội đã chuyển 144 hồ sơ DN nợ BHXH đề nghị Liên đoàn Lao động khởi kiện với số nợ 153.313 tỷ đồng. Hiện, các cơ quan liên ngành của Hà Nội gồm BHXH, Công an TP, Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động và Cục Thuế đã phối hợp để đưa ra các biện pháp giải quyết nhằm giảm tỷ lệ nợ BHXH đến cuối năm 2017 xuống dưới 4%. Phó Giám đốc phụ trách BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa |