Nỗ lực bứt phá hậu Covid-19

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, Việt Nam đã chống chọi và vượt qua đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục, với thành tựu tăng trưởng GDP ở tốp cao hàng đầu thế giới (2,91%), những tổn thất về kinh tế và sức khỏe người dân vào hàng thấp nhất.

Tuy nhiên, để duy trì và phát huy thành tựu trong năm 2021, các giải pháp cần mang tính khác biệt, có tính kiến tạo phát triển cao để đảm bảo ổn định vĩ mô và phát triển bền vững.
Thành tựu ngoạn mục

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây tổn thất về người rất lớn ở nhiều quốc gia, tuy nhiên, cũng chính nó đồng thời tạo ra tăng trưởng về lượng và chuyển biến tích cực về chất của một số nhóm ngành ngành kinh tế. Bên cạnh đó, không phải ngành nào cũng chịu tác động lớn nhất từ đại dịch mà có thể còn chịu tác động mạnh hơn từ nhiều yếu tố khác.
 Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Kết quả tích cực về phòng, chống dịch và tăng trưởng GDP nêu trên đạt được nhờ: Những nỗ lực lớn của Chính phủ (trong phòng chống Đại dịch và hỗ trợ nền kinh tế), DN (nhất là DN FDI) và người dân cũng như một số yếu tố văn hóa - xã hội,… khác; cấu trúc kinh tế hiện hữu; và bản thân sự kiểm soát tốt đại dịch có hiệu quả cao. Ngoài ra, trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn tiếp tục và bắt đầu chịu tác động (chủ yếu là tích cực) của các yếu tố như: Thời thế đất nước (như thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhất là FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, phong trào (tái) Nam tiến của các quốc gia và vùng lãnh thổ Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan); Địa kinh tế, địa chính trị (vị trí gần kề Trung Quốc và trong khu vực kinh tế năng động với mạng lưới FTA khu vực, toàn cầu); Lòng tin của nước ngoài và trong nước đối với Việt Nam, nhất là những lợi ích nhờ kiểm soát tốt đại dịch; và các nhân tố khác như nhân tố Trung Quốc: Với tính cách là nền kinh tế có ảnh hưởng chi phối tới cả nguồn cung và nguồn cầu thế giới trong bối cảnh đại dịch và sự di tản đầu tư từ Trung Quốc để san sẻ rủi ro kinh tế, chính trị; chu kỳ kinh doanh các mặt hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam (cũng chịu tác động mạnh từ thị trường Trung Quốc…).

Triển vọng năm 2021

Năm 2021, triển vọng kinh tế tuy tích cực hơn, rõ ràng hơn song vẫn còn không ít bất định. Việc nhiều nước bắt đầu tiêm chủng trên diện rộng là một điều kiện tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả phòng chống dịch phụ thuộc nhiều vào công hiệu của vaccine và hiệu quả công tác ngăn ngừa, chống việc lây lan dịch. Nếu không có đột biến mới, khả năng tương đối cao đến cuối năm 2021 việc tiêm vaccine mới xong về cơ bản ở các đối tác kinh tế Việt Nam và lúc đó kinh tế trong nước có thể hồi phục trên diện rộng hơn, nhất là các ngành có liên quan tới quốc tế, đặc biệt là du lịch quốc tế.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ thấy rõ hơn ở các ngành từng bị tác động tiêu cực năm của đại dịch năm 2020 và tương ứng các ngành được hưởng lợi sẽ ít có điều kiện, sức ép và động lực để ít nhất có mức tăng trưởng như năm 2020. Ngoài ra, các yếu tố gần đây và trong năm 2020 cũng sẽ tác động mạnh hơn như tác động của các FTA thế hệ mới và RCEP, chiến tranh thương mại và xu hướng Nam tiến.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP 2021 được một số tổ chức quốc tế dự báo trong khoảng 6,3% đến 7,1 %. Nếu số liệu về kinh tế phi chính thức được tính vào năm 2021 và dịch Covid-19 được kiềm chế như dự kiến thì khả năng đạt mức 6,5-7,0% là khá cao, với một số điều kiện các chính sách cần bổ sung như dưới đây.

Một số định hướng chính sách chủ yếu

Trong năm mới, vấn đề cốt lõi mang tính quyết định là kiềm chế hữu hiệu dịch Covid-19 để có thể thực hiện mục tiêu kép hữu hiệu. Các định hướng trọng yếu bao gồm: Một là, các gói kích thích không nên cứu tất cả DN yếu kém, thiếu tác động lan tỏa do chúng có thể tạo ra gánh nợ lớn sau này; mà chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn; mức độ, ngành hàng thuộc diện hỗ trự/giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại trực tiếp của từng ngành như đã nêu.

Hai là, đại dịch là cú huých ban đầu đối với chuyển đổi số, tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng và dễ thất bại do nhiều nguyên nhân và cơ hội, sức ép từ chuyển đổi số có thể “nhạt” đi một khi đại dịch được kiểm soát, do vậy, cần hỗ trợ dài hạn, đủ liều đối với các DN công nghệ số.

Ba là, việc thiết kế các gói chính sách hỗ trợ/giải cứu DN trong bối cảnh mới cần tính đến đầy đủ bản chất mới của khủng hoảng với các tác động mới cũng như các yếu tố hỗ trợ tích cực mới nhằm tăng hiệu quả kích thích, giảm “hiệu ứng” phụ.

Bốn là, xây dựng các kịch bản tác động của đại dịch khác nhau cũng như xác định trong toàn nền kinh tế, các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp và thua thiệt từ đại dịch theo cách tiếp cận đã nêu để có các phương án kích thích tăng trưởng, xử lý các vấn đề có thể xảy ra.

Năm là, đánh giá, hoàn thiện các gói đầu tư công, mở rộng sang các lĩnh vực khác (như hạ tầng nông thôn, khu công nghiệp,..) để giúp đẩy nhanh tác động lan tỏa về tăng trưởng GDP và việc làm.

Sáu là, gắn kết chặt chẽ các gói kích thích chuyển đổi số trong với các chương trình, giải pháp tái cơ cấu, chuyển đổi số và Chính phủ điện tử để tăng hiệu quả toàn nền kinh tế.