Di dời trước dự kiến
Ngay sau khi ra Công văn số 2662, đoàn công tác của Bộ VHTT&DL đã chọn 3 điểm di tích tại Hà Nội là chùa Gia Quất (Long Biên), đình và đền Mộ Lao (Hà Đông) là điểm dừng chân đầu tiên trong cuộc tổng kiểm tra các hiện vật sai phép. Tại các điểm di tích này, hơn chục đôi sư tử đá được cho là mang hình dáng linh vật ngoại lai vẫn tồn tại trong khuôn viên, nhưng không có trong hồ sơ xếp hạng. Vẫn biết, việc di dời các hiện vật không phép là một bài toán khó của tâm linh Việt. Đoàn công tác đã yêu cầu Ban Quản lý di tích, sư trụ trì vận động chủ thể cung tiến, Nhân dân để có thể di dời sư tử đá, lọ lục bình, đèn đá trước 15/9. Tuy nhiên, tính đến chiều 6/9 theo ghi nhận của phóng viên, tại 3 điểm di tích trên đã thu dọn hơn chục cặp sư tử đá ra khỏi khuôn viên chùa và trên ban thờ Lầu Mẫu bán thiên.
Ông Bạch Ngọc Thụy - Tổ trưởng Tổ Quản lý di tích đình, chùa Mộ Lao cho biết: "Các cặp sư tử đã được Tổ Quản lý di tích tặng lại cho một cơ sở sản xuất, chế tác đá để họ tái chế thành những sản phẩm khác. Không chỉ sư tử đá, nhiều hiện vật lạ khác như tượng Quan Âm Bạch Y, đèn đá, hoành phi, câu đối có tiếng nước ngoài, lọ lục bình, đèn và chân đèn ngoại lai... đều đã và đang được di dời để bài trí lại không gian, cảnh quan di tích".
Sở dĩ việc hoàn thành di dời sớm hơn so với dự kiến là vì "ngay tại cuộc làm việc với đoàn thanh tra, nhận thấy tần suất dày đặc của những hiện vật lạ tại 2 di tích, các cán bộ văn hóa của quận, phường dường như đều khá hoang mang. Hiện nay, Phòng VHTT quận Hà Đông đã có văn bản quán triệt tinh thần của Công văn số 2662 gửi di tích và cơ sở thờ tự trên địa bàn" - Trưởng phòng VHTT quận Hà Đông Phạm Đức Hòa chia sẻ.
Đồng thuận giữ gìn bản sắc
Không chỉ ở Hà Nội, mà nhiều tỉnh, TP khác như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... cũng đi đầu trong nỗ lực xóa sổ hiện vật không phép ở các nơi thờ tự, cơ quan công sở, nơi sinh hoạt công cộng... Chắc chắn nếu chỉ bằng nỗ lực chỉ đạo ra văn bản riêng của Bộ VHTT&DL, mục tiêu tháo dỡ các linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ thuật Việt Nam sẽ không đạt được nhiều kết quả nhanh và ngay đến thế. Kết quả này còn phải kể đến sự chung tay xử lý, vào cuộc một cách đồng bộ của Bộ VHTT&DL, Ban Tôn giáo Chính Phủ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngay sau buổi làm việc giữa 3 bên, đầu tháng 9/2014, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra công văn yêu cầu các nơi thờ tự, tự viện trong cả nước di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Chánh văn phòng T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Bên cạnh việc ra Thông tư, Giáo hội sẽ tổ chức song song nhiều biện pháp tuyên truyền để các tăng ni, phật tử, trụ trì, chức sắc trong Giáo hội... nhận thức sâu sắc về vấn đề này". Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ cùng Bộ VHTT&DL trong "chiến dịch" này. Và sau gần một tháng triển khai tinh thần của Văn bản số 2662, bức tranh hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt đã thay đổi theo hướng tích cực. Rất nhiều chủ thể cung tiến vượt qua rào cản tâm linh, tự nguyện tháo dỡ hiện vật. Người dân ở các điểm di tích cũng không phản ứng gay gắt trước những biện pháp quyết liệt của chính quyền địa phương.
Vấn đề sư tử đá và các hiện vật không phù hợp tràn lan trong di tích đã diễn ra từ rất nhiều năm nay. Đây không phải lần đầu các chuyên gia, dư luận báo chí lên tiếng nhưng lại là lần đầu tiên vấn đề được các cơ quan chức năng tiến hành bài bản và đồng thuận. Lời giải cho sự đồng thuận này là mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trong "cơn lốc" xâm lăng đáng báo động của văn hóa ngoại lai.
Đôi sư tử đá tại đình Mộ Lao, quận Hà Đông đã được di dời. Ảnh: Bảo Kha
|