Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nô nức khai hội Tản Viên Sơn Thánh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/3 (tức ngày 14 tháng Giêng), tại di tích Đền Trung thuộc cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ, UBND huyện Ba Vì tổ chức khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2015.

Đến tham dự lễ hội có lãnh đạo của TP Hà Nội, các quận huyện, Sở ngành cùng các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Nô nức khai hội Tản Viên Sơn Thánh - Ảnh 1

Tiết mục văn nghệ khai hội Tản Viên Sơn Thánh.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là một trong số ít lễ hội cấp vùng hiện nay còn giữ được gần như nguyên vẹn nét đẹp văn hóa vốn có. Vào ngày khai hội, không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội bởi hàng nghìn du khách từ khắp nơi trang nghiêm, kính cẩn xếp hàng làm lễ; bởi tiếng cồng chiêng hào hùng, khỏe khoắn của các chàng trai, cô gái bản Mường; bởi tiếng hò reo từ các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, cồng chiêng, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Đặc biệt, lễ hội không có dịch vụ bán đồ lễ; sách, báo, văn hóa phẩm không được phép lưu hành; không có người ăn xin và tất cả người dân, du khách đến đây đều được gửi xe miễn phí.

Năm nay, khai hội Tản Viên Sơn Thánh, UBND huyện Ba Vì cũng khai trương du lịch Ba Vì năm 2015. Đây có thể coi là bước đột phá lớn trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch của huyện Ba Vì, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh.

Trên địa bàn huyện có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa, trong đó hơn 100 di tích thờ Thánh Tản Viên. Nhiều di tích lịch sử - văn hoá có giá trị đặc biệt như: Cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ; Đình Tây Đằng, Đình Thụy Phiêu; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9… Ba Vì cũng có các danh thắng nổi tiếng như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối  Ngà, Khu du lịch Tản Đà, Thác Đa, Rừng nguyên sinh Bằng Tạ - Đầm Long, Đồi cò Ngọc Nhị, cùng nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên Thuần Mỹ…
Nô nức khai hội Tản Viên Sơn Thánh - Ảnh 2

Các đại biểu cắt băng khai trương Du lịch Ba Vì năm 2015.
Năm 2014, du lịch Ba Vì đón 2,35 triệu lượt khách đến tham quan doanh thu du lịch, đạt 223 tỷ đồng. Đó là một tín hiệu vui cho ngành du lịch của huyện, theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua: Với du hướng phát triển hiện nay, ở Ba Vì du lịch tâm linh sẽ nổi lên. Hàng năm, có hàng triệu du khách đến với mảnh đất Ba Vì nhưng thực tế sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, còn nghèo nàn, kỹ năng phục vụ còn yếu kém. Từ năm 2014 đến nay, du lịch tâm linh mới thực sự đổi mới. Cụm di tích đền Thượng – đền Trung – đền Hạ được tu bổ khang trang, sạch đẹp hơn. Theo tôi, để du lịch Ba Vì ngày càng thu hút được đông du khách cần đầu tư nhiều hơn về hạ tầng cơ sở, sản phẩm du lịch đa dạng, thái độ của người làm du lịch được nâng cao hơn nữa”.

Đề ra mục tiêu để khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, văn hóa Ba Vì, tại buổi lễ, ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khẳng định: Trong năm tới, huyện tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, thường xuyên đầu tư kinh phí chống xuống cấp các di tích, bảo tồn giữ gìn phong tục tập quán mang bản sắc văn hóa của huyện. Huyện cũng xây dựng các tuyến tham quan du lịch phục vụ cộng đồng, sinh thái, kết hợp chiến lược phát triển kinh tế với tín ngưỡng tâm linh để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.