Nợ xấu mắc kẹt tại VAMC

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nợ xấu có thể sẽ tiếp tục tăng lên với những khoản không thu hồi được; chưa kể những tác động từ nền kinh tế hay rủi ro tín dụng từ cho vay bất động sản đang bị cảnh báo là “nóng” lên.

Nợ xấu đang tăng thêm

Cuối năm 2015, Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra (đưa nợ xấu về dưới mức 3%). Tuy nhiên, thông tin được đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) mới đây cho thấy, trong năm vừa qua, nợ xấu đã tăng thêm 45.000 tỷ đồng.

Theo UBGSTC, số nợ xấu đã xử lý được là 180.000 tỷ đồng, qua 3 hướng: Bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 110.000 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro khoảng 30.000 tỷ đồng; xử lý nợ khác khoảng 40.000 tỷ đồng. Sau xử lý, nợ xấu của hệ thống tín dụng ở mức gần 120.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu của 3 ngân hàng được mua 0 đồng đóng góp tới 30,8%. “Qua những con số trên, chất lượng tín dụng được cho là đã cải thiện đáng kể. Với giá trị tuyệt đối ở mức 120.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/tổng nợ của toàn hệ thống chỉ còn ở mức 2,9%, dưới hạn mức 3% mà NHNN đặt ra. Nhưng, con số này chưa tính đến 243.000 tỷ đồng nợ xấu đang mắc kẹt tại VAMC, gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống kê” - UBGSTC chỉ ra.
Nhiều ngân hàng vướng mắc khi xử lý nợ xấu.  	Ảnh:  Thanh Hải
Nhiều ngân hàng vướng mắc khi xử lý nợ xấu. Ảnh: Thanh Hải
Thực tế con số 243.000 tỷ đồng trên là khoản nợ gốc trước đó mà VAMC đã mua với trái phiếu đặc biệt tính chung từ khi hoạt động đến nay. “243.000 tỷ đồng nợ xấu gần như vẫn đang “đóng băng” tại VAMC khi mới thu hồi được gần 23.000 tỷ đồng, tương đương 9,3% tính trên dư nợ gốc, do đó áp lực phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt của VAMC, 20% mệnh giá trái phiếu mỗi năm, đối với các ngân hàng vẫn rất lớn” - ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV thừa nhận tại buổi tổng kết cuối năm 2015 của VAMC. Ông Hùng cũng liệt kê rất nhiều bất cập khiến xử lý nợ khó khăn, như: Tiến hành cơ cấu nợ, VAMC không có quyền chủ động xử lý nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo, chưa có thị trường mua bán nợ…

Thực tế khác xa báo cáo tài chính

Nhìn nhận câu chuyện xử lý nợ xấu này, TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế lưu ý: VAMC không phải là đơn vị sinh ra để xử lý toàn diện nợ xấu. Về bản chất, VAMC là người giữ hộ nợ xấu. Còn các ngân hàng mới là người phải đi xử lý thu nợ và phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đã bán đó. Hay nói chính xác, ngân hàng phải tự xử.

Đại diện các ngân hàng cho hay, những khoản nợ chưa bán cho VAMC, họ vẫn phải kiên trì “xoay xở”, thế nhưng việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn. Tại tọa đàm “Vietcombank chia sẻ vướng mắc trong xử lý nợ xấu” - một cán bộ của Vietcombank chia sẻ về trường hợp của một công ty thép. Theo đó, 4 năm nay, công tác thu hồi nợ của Vietcombank bế tắc, bởi công ty này gần như không hợp tác. Và dù vật vã bao lần đi lại, đàm phán, kiện tụng…, ngân hàng vẫn “chịu cứng”, không thu được đồng nào từ 100 tỷ đồng gốc vay còn lại (chưa kể lãi). “Rất khó để bắt những trường hợp như thế phải hoàn trả đủ những khoản nợ ngân hàng. Có những DN còn khả năng trả nợ, cơ cấu lại nợ để có thể thu hồi, nhưng một số DN “chết lâm sàng” mà vẫn cơ cấu lại thì không giải quyết được gì” - ông Nghĩa nhận xét. 

Giải pháp còn lại là sử dụng nguồn trích lập dự phòng của chính các ngân hàng. Kết thúc năm 2015, nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận khả quan nhưng rất khó để kiểm chứng nếu chỉ dựa trên báo cáo tài chính của họ. Phó Chủ tịch UBGSTC Trương Văn Phước chỉ ra 3 vấn đề khác của thị trường tài chính: Tín dụng trung, dài hạn và bất động sản đang tăng cao; tiềm ẩn rủi ro thanh khoản; quy mô lãi dự thu đang tồn tại làm ảnh hưởng đến các ngân hàng. Theo ông Phước, lãi dự thu là khoản chưa thu được, nhưng theo chế độ hạch toán kế toán, các ngân hàng vẫn đưa vào để tạo nên lợi nhuận. Có ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, nhưng thực tế, khoản lãi dự thu rất lớn, chiếm hàng chục phần trăm, chứng tỏ lợi nhuận của họ không thực chất. Đây được coi là rủi ro lớn mà hệ thống đang đối mặt, sau câu chuyện nợ xấu vừa tạm thời được xử lý.
Theo chuẩn mực kế toán, nếu một dự án cho vay trung, dài hạn vẫn trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa thể trả lãi và gốc, ngân hàng được phép ghi nhận vào thu nhập lãi (khoản lãi dự thu). Thực tế nếu dự án bị kéo dài, lãi dự thu phát sinh thêm, tạo gánh nặng tiềm ẩn cho ngân hàng. Nếu dự án thất bại, ngoài phải dự phòng cho khoản gốc vay, ngân hàng còn phải dành tiền dự phòng cả khoản lãi dự thu nữa. Muốn “quét” nợ xấu nhanh chỉ có cách sử dụng tiền mặt và kết hợp vực dậy “sức khỏe” của DN. DN “khỏe” lên, có tiền trả nợ ngân hàng, khi đó mới giải quyết được hết các khoản nợ cũ và tránh phát sinh các khoản nợ mới.
TS Lê Xuân Nghĩa Chuyên gia kinh tế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần