Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ xấu “tạm đẹp” nhưng chưa hết lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2013, một loạt các giải pháp như cơ cấu lại nợ, thành lập công ty Mua bán tài sản quốc gia (VAMC)... đã được ngành ngân hàng triển khai nhằm kiềm chế và xử lý nợ xấu.

Đến nay, "cục máu đông" này đã từng bước được xử lý, con số nợ xấu "tạm đẹp" hơn, tuy nhiên, xử lý nợ xấu vẫn là bài toán nan giải của hệ thống ngân hàng.

Từng bước được xử lý

Báo cáo tổng kết hoạt động tiền tệ năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2013, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu; cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát và tiết giảm chi phí hoạt động kể cả chi lương, thưởng và cổ tức để tăng khả năng trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực bán nợ xấu cho VAMC... Nhờ đó, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã từng bước được xử lý, chất lượng hoạt động của các TCTD được nâng lên.

 
Các ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm nợ xấu. Ảnh: Trần Việt
Các ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm nợ xấu. Ảnh: Trần Việt
Cập nhật mới nhất của NHNN, tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng đến nay là 105,9 ngàn tỷ đồng. Các TCTD tích cực giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện thị trường và hoàn cảnh của khách hàng vay. Tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ được điều chỉnh kỳ hạn nợ và gia hạn nợ là 316,8 ngàn tỷ đồng.

Cùng với đó, đến cuối năm 2013, VAMC cũng đã mua được khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức đầu tháng 12/2013, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân đang giảm đáng kể (2,2% một tháng so với mức 3,91% của năm 2012).

Ngân hàng “sốt ruột”

Nợ xấu đang từng bước được xử lý, tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn "đứng ngồi không yên" vì "cục máu đông" làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng này. Đại diện lãnh đạo một số ngân hàng tiếp tục bày tỏ nỗi lo nợ xấu tăng cao nếu Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực vào 1/6/2014.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh- Tổng Giám đốc VPBank, nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu có thể tăng gấp đôi. Ông Vinh cũng tin tưởng, dù áp lực lớn nhưng nợ xấu sẽ dần dần được xử lý nếu các cơ quan liên quan có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng thời gian qua, tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cũng lưu ý, ngành ngân hàng cần nhìn thẳng vào sự thật, rằng những đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội với lĩnh vực ngân hàng còn rất lớn. "Tới đây, khi Thông tư 02 được áp dụng, nợ xấu sẽ lớn hơn chứ không chỉ là ở con số được coi là "tạm đẹp" như chúng ta đang nhìn thấy"- ông Tiến cảnh báo.

Mới đây nhất, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định "đúng ngày đúng giờ" quy định này sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh: "Có sửa đổi nhưng không phải vì các quy định của Thông tư 02 đang không tiến triển mà vì cơ thể của chúng ta còn đang yếu, khả năng hấp thụ các liều thuốc đó khó". Như vậy, đúng thời điểm 1/6/2014, Thông tư 02 sẽ có hiệu lực. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, nếu quyết tâm triển khai, NHNN cần có hướng dẫn về lộ trình, bước đi cụ thể để các ngân hàng chủ động thực hiện.