Nobel Kinh tế năm 2016 đã thuộc về 2 nhà khoa học người Anh và Phần Lan. |
Theo đó, hai nhà khoa học Oliver Hart, Đại học Harvard và Bengt Holmström thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã vinh dự nhận giải Nobel nhờ những đóng góp cho “học thuyết khế ước”, đặt nền tảng cho việc kiến tạo các chính sách và học viện trong nhiều lĩnh vực từ luật phá sản cho tới các thể chế chính trị.
Thông báo của Ủy ban Nobel cho biết: Kinh tế hiện đại được cấu thành bởi vô số hợp đồng. Các hợp đồng này có thể bao gồm mối quan hệ giữa những cổ đông và lãnh đạo hàng đầu, giữa công ty bảo hiểm với chủ sở hữu xe... Những mối quan hệ này thường kéo theo mâu thuẫn lợi ích và các hợp đồng cần được thiết kế phù hợp để đảm bảo mỗi bên sẽ đưa ra các quyết định mà các bên đều có lợi.
Những câu hỏi được đặt ra trong nghiên cứu lý thuyết hợp đồng đó là: các dịch vụ công như bệnh viện, trường học, và trại giam nên do nhà nước hay tư nhân sở hữu? hoặc Giáo viên, nhân viên y tế, và cán bộ trại giam nên được trả lương cố định hay trả theo hiệu suất làm việc. Những công cụ lý thuyết mới do Oliver Hart và Bengt Holmström thiết lập có giá trị lớn trong việc hiểu các hợp đồng và tổ chức trong thực tế, cũng như các cạm bẫy tiềm năng trong thiết kế hợp đồng.
Trước khi Giải Nobel Kinh tế 2016 được công bố, ngay cả những người trong cuộc cũng không hề có một chút ý niệm ai sẽ được vinh danh. “Không có chút manh mối nào, ngay cả tin đồn cũng không” - giáo sư Michael Spence, người đoạt giải này năm 2001, xác nhận.
Bên cạnh đó, nhà khoa học Oliver Blanchard, chuyên gia tại Viện Kinh tế quốc tế và Viện Công nghệ Massachusetts, từng là nhà kinh tế đầu đàn ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), được đánh giá là nhân vật nhiều khả năng đoạt giải năm nay.
Kể từ năm 1969 đến nay, đã có 76 người đã đoạt giải Nobel Kinh tế, trong đó có 1 phụ nữ. Đó là bà Elinor Ostrom, được trao giải vào năm 2009.