Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nobel Vật lý 2020 ghi nhận người phụ nữ thứ 4 trong lịch sử chiến thắng

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà nghiên cứu Roger Penrose của Anh, Reinhard Genzel của Đức và Andrea Ghez của Mỹ đã chiến thắng giải Nobel Vật lý 2020 vì những khám phá của họ về một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất trong vũ trụ - hố đen.

Ông Penrose, 89 tuổi, Giáo sư tại ĐH Oxford, đã giành được một nửa giải thưởng cho công trình sử dụng toán học của mình để chứng minh rằng lỗ đen là hệ quả trực tiếp của thuyết Tương đối rộng.
Ông Genzel, 68 tuổi, thuộc Viện Max Planck, ĐH California, Berkeley và bà Ghez, 55 tuổi, tại ĐH California, Los Angeles, cùng chia sẻ nửa còn lại giải Nobel cho việc khám phá ra rằng, một vật thể vô hình và cực nặng chi phối quỹ đạo của các ngôi sao tại trung tâm của thiên hà.

Vật lý là lĩnh vực thứ hai được trao giải của Nobel năm nay, sau khi 3 nhà khoa học đã được trao giải Nobel Y học cho phát hiện bệnh Viêm gan C hôm thứ 2 vừa qua.

Trong số các giải Nobel, vật lý là một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý, khi các giải thưởng trong quá khứ từng được trao cho những thiên tài khoa học, như Albert Einstein - cho những khám phá cơ bản về cấu tạo của vũ trụ, bao gồm cả thuyết Tương đối rộng.

“Những khám phá của người đoạt giải năm nay đã tạo ra một nền tảng mới trong việc nghiên cứu các vật thể siêu khối lượng và nhỏ gọn”, David Haviland - Chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý, cho biết, "nhưng những vật thể kỳ lạ này vẫn đặt ra nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp, thúc đẩy các nghiên cứu trong tương lai".

Đáng chú ý, nữ nhà khoa học Andrea Ghez là người phụ nữ thứ 4 trong lịch sử giành giải thưởng cao quý này, sau Marie Curie - năm 1903, Maria Goeppert Mayer - năm 1963 và Donna Strickland - năm 2018.

Năm ngoái, James Peebles, một công dân mang 2 quốc tịch Canada và Mỹ, cùng bộ đôi người Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz đã được trao giải Nobel Vật lý vì những đóng góp cho sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái đất trong vũ trụ.

Theo ban tổ chức, do đại dịch Covid-19, những người đoạt giải Nobel năm nay có thể sẽ nhận giải thưởng của họ ở quê nhà, thay vì được yêu cầu đến Stockholm để dự lễ trao giải như thông lệ. Lễ trao giải Nobel Hòa bình ở thủ đô Oslo của Na Uy đã được chuyển đến một địa điểm nhỏ hơn, với ít khách mời hơn.