Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi buồn làng mứt gừng truyền thống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày này, các bếp lửa tại làng mứt gừng truyền thống ở Kim Long, TP Huế đã đỏ lửa, tất bật cho một mùa mứt Tết.

KTĐT - Những ngày này, các bếp lửa tại làng mứt gừng truyền thống ở Kim Long, TP Huế đã đỏ lửa, tất bật cho một mùa mứt Tết. Tuy nhiên số lượng mứt giảm nhiều so với các năm trước khiến người làm mứt mang nặng nỗi buồn vì nghề gia truyền đang “lung lay”.

 
 
Làng mứt gừng truyền thống Huế

 

Có mặt tại nhà của “lão mứt gừng” Trương Đình Thử, số 116 đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long - một hộ làm mứt gừng lâu đời bậc nhất ở đây - một không khí khẩn trương, nhộn nhịp đang “quyện” cùng hương gừng thơm phức.

 

Nhà cụ Thử làm nghề từ đời ông cố, tới nay đã được hơn 100 năm. Các thế hệ đi sau, dù ai cũng có công việc riêng nhưng vẫn giữ nghề làm mứt gừng. Tết đến xuân về, nhà đỏ lửa, toàn bộ thành viên trong nhà xúm vào cùng làm, thiếu thì gọi thêm họ hàng. Làm suốt từ đầu tháng Chạp cho đến 24 Tết thì nghỉ.

 
Nỗi buồn làng mứt gừng truyền thống - Ảnh 1
Cụ Trương Đình Thử tự tay điều chỉnh lửa cho những chảo mứt

Năm nay, nhà cụ Thử thuê thêm 9 nhân công cùng làm mứt. Huy động toàn bộ người nhà, cả đội ngũ làm mứt gừng gần 20 người. Thế là đã ít hơn năm ngoái vài người.

 

Gừng lấy loại “cay xé lưỡi” trên phà Tuần ở huyện Hương Trà với vị thơm, lát nhỏ. Pha thêm vào một số gừng Buôn Mê Thuột có lát to để trung hòa kích thước của túi mứt. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, bào lát nhỏ, luộc cho chín rồi bỏ vào chảo rim cho thật kỹ, lại đem ra đảo khô.

 

“Quan trọng nhất là lúc rim gừng, tỷ lệ đường phải bỏ vừa phải để đảm bảo mứt vừa giòn vừa dẻo. Muốn mứt ngon phải chọn đường Quảng Ngãi loại I để làm. Lửa cũng rất quan trọng, nếu chỉnh lửa không đều sẽ làm xấu mứt: mứt sẽ bị sống hoặc cháy sém” - anh Trương Đình Toàn, con trai cụ Thử, chia sẻ kinh nghiệm làm mứt.
 
Nỗi buồn làng mứt gừng truyền thống - Ảnh 2
 
Nỗi buồn làng mứt gừng truyền thống - Ảnh 3
Cả nhà cùng làm mứt

 

Khi xưa có hàng trăm hộ ở Kim Long cùng làm mứt với số lượng lớn. Mứt gừng ở đây đã thành thương hiệu, ra Bắc vào Nam. Nhưng mấy năm trở lại đây và điển hình là năm nay, mứt gừng Kim Long đang dần mai một.

 

Làm cầm chừng vì sợ không có khách mua

 

“Do năm nay vật giá tăng đã đẩy mứt, đường tăng theo nên nhà chỉ làm khoảng 2,5 tấn, ít hơn năm ngoái chừng 1 tấn. Nếu đến khoảng 20 Tết khách mua đông thì nhà sẽ làm thêm để đáp ứng” - cụ Thử chia sẻ.

 

Cạnh nhà cụ có nhà ông Trương Đình Tú cũng đang hì hục làm mứt, dự tính năm nay sẽ cho ra lò khoảng 2 tấn, cũng ít hơn năm ngoái. “Bán ra với giá 53 ngàn đồng/kg, mắc hơn 15 ngàn so với tết trước, nên chúng tôi cũng dè chừng, không dám làm quá nhiều, sợ không có khách mua thì dù cả nhà ăn Tết bằng… mứt gừng cũng không hết”.
 
Nỗi buồn làng mứt gừng truyền thống - Ảnh 4
Những đứa trẻ cũng nhớ hương gừng

 

Làm cầm chừng là tâm lý chung của hầu hết các hộ làm mứt ở Kim Long năm nay. Hơn nữa, phường Kim Long bây giờ đã thờ ơ với nghề làm mứt gừng. Hiện tại chỉ còn khoảng dưới 20 lò mứt còn hoạt động.

 

Ông Cao Minh Sơn, Phó Chủ tịch phường Kim Long, cho biết “Giờ so với lúc xưa thì làng mứt đã bớt đi sự sôi động đáng thấy, mứt làm cũng ít hơn”.

 
Nỗi buồn làng mứt gừng truyền thống - Ảnh 5
 

Vẫn những mùi hương cay nồng cũ nhưng không khí đã khác xưa. Tết đến xuân về, hương mứt gừng đã không còn bay khắp các ngõ xóm Kim Long. Nụ cười tuy vẫn nở trên môi người làm mứt nhưng đằng sau là một nỗi âu lo.