Nỗi buồn sàn chứng khoán

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc “chợ lớn” chứng khoán- Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) phải chủ động tạm ngừng giao dịch trong phiên chiếu 1/6 là sự việc lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hơn 21.700 tỷ đồng vào thị trường chỉ trong một buổi sáng dẫn đến cảnh báo an toàn hệ thống. Vì thế, HoSE đã buộc phải “rút phích điện” chủ động để bảo đảm an toàn thị trường.
Tiền không chỉ chảy ào ào vào kênh chứng khoán trong phiên 1/6 mà trong cả tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22,1 nghìn tỷ đồng/phiên. Điều này cho thấy, chứng khoán đang là “điểm đỗ” của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để thị trường này vận hành trơn tru, hấp dẫn và giữ chân nhà đầu tư lâu dài thì việc liên tục nghẽn mạng và quá tải hệ thống hiện nay được coi là một điểm trừ lớn, khiến nhà đầu tư bức xúc.
Khác với những lần “đơ”, “treo” trước đây, lần này, lãnh đạo HoSE đã chủ động đăng đàn. Tuy nhiên, việc Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà nói đến trong bài phỏng vấn vẫn chỉ dừng ở câu chuyện lý giải về quá tải giao dịch dẫn đến mất an toàn. Và giải pháp vẫn chỉ dừng ở mức “mong nhận được sự cảm thông, bình tĩnh của các DN và nhà đầu tư trên thị trường”.

Sau khi mong được nhà đầu tư “thông cảm” thì lỗi vẫn hoàn lỗi. Phiên 2/6, HoSE lại tiếp tục “đứng hình” khi thị trường chưa đạt giá trị khớp lệnh đến 10.000 tỷ đồng. Một số công ty chứng khoán tiếp tục có hiện tượng lỗi giao dịch như VNDirect hay SSI khuyến cáo nhà đầu tư không nên sửa lệnh giao dịch khiến bị lỗi không cập nhật được kết quả vào hệ thống.

Trả lời về việc hệ thống giao dịch được triển khai đến đâu để chấm dứt cảnh thị trường “treo”, “đơ” lúc nhà đầu tư đang hưng phấn thì lý do Covid-19 lại tiếp tục được nhắc lại theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
“Việc dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 cũng tạo thêm áp lực cho các đơn vị, đặc biệt là việc đưa các chuyên gia Hàn Quốc vào làm việc”- ông Trà bao biện. Và kết thúc bằng lời hứa muôn đời chung chung: “Chúng tôi luôn xem đây là việc cấp bách và ưu tiên triển khai để sớm nhất có hệ thống mới cho toàn thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam”.

Theo một số chuyên gia, nếu xét ở bình diện bức tranh chứng khoán khu vực và thế giới, định giá TTCK Việt Nam chưa hẳn là quá đắt đỏ khi định giá cổ phiếu (P/E) trung bình trên HoSE mới đạt 16,78x trong khi tại các thị trường phát triển như Mỹ là 25x. Tuy nhiên, cứ khi thị trường giao dịch sôi động là “chợ lớn chứng khoán” HoSE rơi vào trạng thái nghẽn lệnh. Trong hơn 6 phiên liên tục, thị trường lập đỉnh vừa qua, HoSE lại tái diễn tình trạng “đơ” liên tục khiến nhà đầu tư vò dầu bứt tóc, muốn mua không được, bán không xong.

Trong khi, HoSE lãi mạnh, phí của nhà đầu tư thu không thiếu một đồng thì trục trặc khiến nhà đầu tư mất tiền, mất cơ hội lúc thị trường đi lên vẫn liên tục diễn ra. Thứ mà họ cần nhất là kết quả của công tác nâng cấp hệ thống, chứ không phải là những lời hứa chung chung, kiểu như “chúng tôi đang cố gắng hết sức”, “mọi việc đang đi đúng kế hoạch” trong khi đích đến thì có vẻ vẫn xa mịt mù.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần