Từ đó, dẫn đến việc nhiều gia đình có nguy cơ tan vỡ vì vợ chồng hục hặc với nhau, tình làng nghĩa xóm cũng vì thế nhạt dần. Với cương vị là trưởng thôn, ông Trọng không khỏi buồn lòng trước ảnh hưởng của làn sóng World Cup. "Đêm nào cũng tiếng reo hò cổ vũ bóng đá, những tưởng mọi người xem cho vui thôi, nào ngờ mấy ông còn cá độ dẫn đến xích mích tình cảm gia đình, hàng xóm" - ông Trọng tâm sự với vợ. Nghe vậy, bà Thuyết góp lời: "Hôm qua, nhà anh Thức mua tủ lạnh mới nhờ tiền trúng cá độ bóng đá. Còn vợ chồng chú Đăng phải bán cả mấy bao thóc mới thu hoạch để trả 3 triệu đồng thua cá độ. Gia đình đã không có điều kiện, vợ chồng chật vật nuôi mấy đứa con ăn học, nay lại càng thêm nheo nhóc. Rõ khổ!". Thực ra, chuyện cá độ bóng đá đã tồn tại ở làng Trạch từ lâu, sau đó chìm lắng một thời gian, nhưng đến mùa World Cup năm nay lại tái diễn, kéo theo nhiều hệ lụy. Hơn nữa, ở một vùng thuần nông như làng Trạch, thu nhập chủ yếu của người dân từ cấy lúa, trồng rau. Cánh đàn ông thì có thêm nghề thợ xây, phụ hồ. Dù đời sống đã được nâng lên nhưng chưa hẳn đã khấm khá. Thế nên, chuyện thua cá độ vài triệu đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các gia đình. Thấy chồng trăn trở suy nghĩ, bà Thuyết gợi ý: "Tôi nghĩ hôm nào họp thôn, ông nên đưa vấn đề này ra bàn bạc, đưa vào tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Có như vậy mới làm thay đổi ý thức của những người ham cá độ được ông ạ!". Nghe vợ nói, ông Trọng tán thưởng: "Bà nói phải đấy, ngoài vấn đề tuyên truyền, giáo dục, chúng ta nên đưa vào quy ước văn hóa thì mới mong dẹp được nạn cá độ bóng đá bà ạ!".