[Nỗi đau giữa đại ngàn Quỳ Châu] Bài 2: Cần giải pháp căn cơ để giữ và tái sinh rừng

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những khoảnh rừng tự nhiên tại huyện Quỳ Châu dần đi vào đề án đất trống trảng cỏ và đất có cây tái sinh... Những mảnh rừng xanh đang có nguy cơ bị tàn phá nếu không có giải pháp căn cơ để giữ gìn, tái sinh rừng.

>> Bài 1: Còn đâu những màu xanh, còn đâu khoảnh rừng đang tái sinh

Cơ quan chức năng nói gì?

Để giải đáp cho những băn khoăn, thắc mắc chuyện nhiều diện tích rừng tại xã Châu Phong đã và đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá để dành cho việc trồng cây keo, trong đó có việc người dân tố gia đình ông H. (trú tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu) trong câu chuyện đốt rừng trồng keo này, chúng tôi tìm đến UBND huyện Quỳ Châu nhằm làm rõ thông tin. 

Trong lõi rừng nguyên sinh Châu Phong, vẫn còn những cây gỗ lớn bị chặt hạ, cưa xẻ.

Làm việc với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Lê Hải Lý cho biết, riêng đơn tố cáo của ông Vi Văn Phong và 6 hộ dân khác tại xã Châu Phong về nội dung chiếm dụng đất, hủy hoại rừng, phá rừng trái pháp luật đối với ông Ng.V.H. (thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu), sau khi nhận được đơn tố cáo, UBND huyện Quỳ Châu đã có Quyết định số 1341/QĐ-UBND ngày 28/6/2021, thành lập đoàn kiểm tra, xác minh đơn tố cáo. Thời hạn giải quyết là 20 ngày, kể từ ngày ban hành văn bản này. 

 Nhiều thanh gỗ đã được xẻ nằm rải rác.

“Hiện nay, đoàn kiểm tra vẫn đang tiến hành làm việc kiểm tra, xác minh, bước đầu cho thấy có một số diện tích thuộc rừng DT2 (đất trống trảng có tái sinh mục đích dưới 1.000 cây/ha) bị một hộ dân tự xẻ phát và cũng có phát hiện việc chặt hạ, cưa xẻ cây gỗ, việc này huyện đã giao Kiểm lâm xem xét xử lý” - ông Lê Hải Lý cho biết.

Về việc vì sao đã hết thời hạn theo quyết định của UBND huyện về xử lý đơn thư tố cáo nêu trên nhưng nay vẫn chưa có kết luận, thông báo, ông Lê Hải Lý giải thích, do thời gian qua mưa và gia đình ông Phong vừa có người qua đời, theo phong tục địa phương phải hết 10 ngày, phần nội dung phối hợp kiểm tra thực địa chưa triển khai thực hiện được, do vậy chưa có kết luận. Ông Lê Hải Lý cũng cho rằng vụ việc này hiện phía Công an tỉnh Nghệ An cũng đang xác minh. 

 Gốc cây bị chặt hạ còn rất mới

Về nội dung từ ghi nhận thực tế của phóng viên tại địa bàn xã Châu Phong, rừng đang bị tàn phá như người dân tố cáo, Phó Chủ tịch huyện Châu Quỳ Châu cho biết, đó là những diện tích thuộc đất trống, đồi trọc nằm trong đề án thuộc chương trình trồng rừng nguyên liệu tại huyện Quỳ Châu năm 2017 và 2018. Còn chuyện ông H. đứng ra trồng keo quy mô lớn tại các khu vực mà người dân tố cáo, phản ánh là do ông H. có liên kết đầu tư với các hộ dân chứ không phải diện tích đó giao cho ông H thực hiện dự án.

Về nội dung đề án trồng rừng nguyên liệu mà ông Lê Hải Lý đề cập, có nêu rõ tại Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 31/5/2017 về việc phê duyệt thiết kế dự toán trồng rừng nguyên liệu đợt 1 năm 2017 trên địa bàn huyện Quỳ Châu, nội dung này thực hiện với tổng diện tích 572,11ha trải rộng trên 8 xã: Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Nga, Châu Phong, Châu Hoàn và Diễn Lãm. Đây là rừng sản xuất với trạng thái là đất trống trảng cỏ và đất trống có cây tái sinh dưới 1.000 cây/ha.

Và Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 7/5/2018 về nội dung phê duyệt thiết kế, dự toán trồng rừng nguyên liệu năm 2017 - 2018, thực hiện trên địa bàn 7 xã gồm: Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Bính, Châu Hạnh, Châu Nga, Châu Phong và Diễn Lãm. Diện tích trồng là 361,42ha, là rừng sản xuất giao cho các hộ dân theo Nghị định 163, trạng thái đất trống trảng cỏ và đất trống có cây tái sinh mục đích dưới (nhỏ hơn) 1.000 cây/ha.

Những khúc cây đã được cắt xẻ...

Thực tế, diện tích rừng thuộc đề án nói trên của huyện Quỳ Châu, nguồn gốc là rừng tự nhiên. Năm 1997, đã được chia và giao cho các hộ gia đình quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và sản xuất. Trong một số giấy tờ mà các hộ dân xã Châu Phong cung cấp cho phóng viên, cụ thể quyết định giao đất lâm nghiệp cho gia đình ông Vi Văn Phong, vào thời điểm đó ghi rõ trong hơn 53ha giao cho cho gia đình ông Vi Văn Phong có hơn 16ha là rừng tự nhiên, khoanh nuôi bảo vệ, hơn 36ha đất trống sản xuất và khoanh nuôi phục hồi tại các lô 1,2, 6 khoảnh 76, tiểu khu 195. Đến năm 2003, gia đình ông Phong được tạm giao diện tích gần 53ha, lô 6, tiểu khu 195 với trạng thái là rừng phòng hộ xung yếu.

Tương tự, vào năm 1997, gia đình ông Lữ Văn Quanh được giao hơn 24ha đất lâm nghiệp tại lô 1 8, 11, khoảnh 10, tiểu khu 203. Quyết định giao kèm theo nêu rõ, diện tích rừng tự nhiên là 21 héc ta với trữ lượng 454m3, đất trống trồng rừng và trồng cây lâu năm là 3,8ha. Các hộ gia đình khác như Lô Văn Dũng, Quang Văn Đại (đều trú tại Bản Lìm, xã Châu Phong) cũng được giao diện tích rừng với trạng thái rừng phòng hộ xung yếu.

“Rừng sau bị chặt phá nên bị giảm giá trị, sau đó được Nhà nước giao cho hộ gia đình tại địa phương khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi và sản xuất. Như gia đình chúng tôi, chúng tôi không có tác động hay hủy hoại rừng, cây gỗ, bao năm qua vẫn để rừng tái sinh, sinh trưởng chỉ mong rừng ngày càng giàu có trở lại. Thời điểm lập phương án, tạm giao cho các hộ, tôi còn là cán bộ xã, do đó tôi là một trong những người trực tiếp đi thực địa, giao cho các hộ dân, từ đó tới nay không ai phá rừng, nhưng rồi bất ngờ bị phá” - ông Vi Văn Phong bày tỏ. 

Nhiều khúc gỗ bị chặt hạ nằm dưới lớp lá mỏng.

 Tới thời điểm năm 2017 và 2018, những khoảnh rừng nói trên trở thành diện tích chưa có rừng gồm DT1 (đất trống trảng cỏ) và DT2 (đất trống có cây tái sinh phục hồi dưới 1.000 cây/ha). Như vậy, trải qua một quá trình khoảng 20 năm, rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi phục hồi với diện tích lớn tại huyện Quỳ Châu được đưa vào đề án trồng cây nguyên liệu với nội dung diện tích chưa có rừng?! Điều đáng chú ý, trong đề án này, phần diện tích thuộc DT2 (đất có cây tái sinh phục hồi) cũng đưa vào và xóa sổ, thay vào đó là trồng keo.

Khi phóng viên cung cấp một số hình ảnh cây gỗ bị chặt, cắt khúc nhan nhản tại địa phận rừng tại xã Châu Phong, ông Lê Hải Lý cho rằng sẽ cho kiểm tra lại vì thực tế qua ảnh không định vị được địa điểm thực địa cụ thể. Ông Lê Hải Lý cũng nhờ phóng viên chuyển một số ảnh cây gỗ bị chặt hạ, đốt, cưa xẻ trong rừng đã ghi nhận được để nắm và thực hiện kiểm tra nội dung này.

Những khúc gỗ nằm lăn lóc khắp nơi...

Qua trao đổi về câu chuyện, có hay không việc rừng đang bị đốt, chặt phá thay vào đó là một công trường trồng keo quy mô lớn trong vùng lõi sâu rừng Châu Phong, ông Lê Xuân Đình - Hạt Trưởng kiểm lâm huyện Quỳ Châu cũng cho rằng, diện tích đang xẻ đốt, trồng keo đó nằm trong hai đề án đã được huyện phê duyệt, là đất trống trọc có gần 1.000ha.

Ông Lê Xuân Đình cho biết thêm, sau khi các hộ dân xã Châu Phong có đơn tố cáo, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã về xác minh. Còn câu chuyện ông H đứng ra thuê xẻ phát và trồng keo với diện tích lớn, trong đó bao gồm cả diện tích mà các hộ dân đang tố cáo nêu là đất rừng họ được giao, ông Đình cho biết, riêng ông H. đang thực hiện trồng keo trên diện tích khoảng 300ha, số diện tích này là ông H. liên kết với các hộ dân chứ không phải đất giao cho ông H...

 Nhiều cây gỗ bị chặt hạ có đường kính khá lớn...

Cần những giải pháp căn cơ bảo vệ rừng

Chuyện phá rừng được giao để trồng keo do giá trị cây keo mang lại lớn ở Quỳ Châu hiện vẫn đang nhiều tranh cãi. Và điều đó khiến thực tế diện tích rừng tự nhiên, rừng tái sinh đã và đang đứng trước nguy cơ lớn về việc bị xâm hại nghiêm trọng.

Trong chuyến đi thực tế, với những gì chúng tôi ghi nhận được, hiện trạng rừng đang bị xẻ, phát, đốt tại xã Châu Phong và các xã lân cận khá nhiều diện tích. Điều đáng nói, việc trồng rừng này nằm xen kẽ với các khoảnh rừng đang dần phục hồi sau nhiều năm bị chặt phá.

 Lán trại cho của công nhân được thuê để xẻ phát gỗ trong rừng.

Qua câu chuyện thực trạng rừng tại huyện Quỳ Châu, hy rằng tỉnh Nghệ An sẽ sớm có một cuộc “giải phẫu” cụ thể, chi tiết, làm rõ những nội dung tố cáo của người dân xã Châu Phong, cần làm rõ tổng diện tích rừng từ năm 2017 đến nay đã đưa vào đề án trồng cây nguyên liệu.

Cần có sự xem xét thấu đáo, thẩm định chắc chắn, khoa học về việc liệu rằng có nên xóa bỏ những thảm thực vật, đồi rừng tự nhiên đang dần tái sinh ấy để tiếp tục cho dự án trồng cây nguyên liệu mà huyện Quỳ Châu đã có quyết định phê duyệt, thực hiện.

Đo đếm cụ thể, chính xác và làm rõ có bao nhiêu diện tích không nằm trong đề án này nhưng cũng bị chặt hạ, đốt phá và đưa vào trồng keo. Từ đó cần có những biện pháp căn cơ, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý, không quản lý chặt chẽ dẫn tới việc rừng bị hủy hoại trái phép.

Quỳ Châu là huyện có diện tích rừng lớn ở Nghệ An, chiếm gần 60% diện tích đất tự nhiên, đứng thứ tư sau Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong. Rừng Quỳ Châu mang đặc tính của rừng nhiệt đới, được phân bổ trên triền dốc lớn, núi cao với nhiều loại gỗ quý như: Lim, lát hoa, hoàn linh, săng lẻ,... và nhiều loại cây dược liệu hoài sơn, thiên niên kiện, sa nhân. Trong đó phải kể đến cây quế, được xem như đặc sản.