Khảo sát của giáo sư tâm lý học Anita Kelly tại Đại học Notre Dame (bang Indiana, Mỹ) cho thấy việc hạn chế nói dối sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Giáo sư Kelly đã khảo sát hơn 110 người từ 18-71 tuổi, trong đó có cả nam và nữ, về ảnh hưởng của thói quen nói dối lên sức khỏe con người.
Một nửa trong nhóm được yêu cầu bớt nói dối dù là chuyện vô hại trong vòng 10 tuần. Một nửa còn lại không được lưu ý về điều này. Hàng tuần, cả hai nhóm đều đến phòng thí nghiệm để trải qua các xét nghiệm phát hiện nói dối.
Phát hiện nói dối bằng máy dò - Ảnh: The Guardian
Nhóm được yêu cầu giảm nói dối cho biết mỗi tuần họ đã giảm nói dối 3 lần so với khoảng thời gian trước đây. Nhờ vậy, họ cảm thấy ít bị nhức đầu, viêm họng, căng thẳng, lo âu và một số triệu chứng khác.
Họ nhìn nhận rằng bớt nói dối đã cải thiện phần nào quan hệ với người thân, sự tương tác xã hội cũng dễ dàng hơn. Giáo sư Kelly kết luận: “Rõ ràng là không nói dối giúp cho bản thân người đó khỏe hơn. Tôi nghĩ đó là phương cách đáng để xem xét”.
Bác sĩ Bryan Bruno, quyền chủ nhiệm khoa phân tâm học tại Bệnh viện Lenox Hill Hospital ở thành phố New York của Mỹ, cũng cho rằng nói dối gây stress, âu lo, thậm chí trầm cảm. Do vậy, hạn chế nói dối không chỉ tốt cho các mối quan hệ mà còn giúp ích cho chính bản thân bạn.
Những khảo sát trước đây cho thấy trung bình người Mỹ nói dối mỗi tuần 11 lần, từ những chuyện vô hại, khoa trương hoặc để giữ thể diện cho đến sự chung thủy hay những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Khảo sát báo cáo trong hội nghị hằng năm của Hội Tâm lý học Mỹ, tổ chức tại thành phố Orlando, bang Florida.