Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo loạn luân của ông bố Mỹ có 400 con

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những người hiến tinh trùng và con cái của họ đã bắt đầu tìm đến với nhau thông qua việc xét nghiệm gene và các website như Donor Sibling Registry.

KTĐT - Những người hiến tinh trùng và con cái của họ đã bắt đầu tìm đến với nhau thông qua việc xét nghiệm gene và các website như Donor Sibling Registry.

Tóc hoa râm, giọng nói dịu dàng và gương mặt cổ điển với cằm bạnh, Kirk Maxey 51 tuổi (ở Michigan, Mỹ), có thể là một trong những người hiến tinh trùng nhiều nhất thế giới.

Từ giữa năm 1980 và 1994, ông đã hiến cho một bệnh viện ở Michigan 2 lần mỗi tuần, và theo dõi sự thành công qua số lượng người mang bầu. Theo con số tự ước tính, ông hiện là cha đẻ của gần 400 đứa con, phân bố khắp bang này, và thậm chí trên cả nước Mỹ, tờ inlandnewstoday cho biết.

Khi Maxey còn là sinh viên y khoa tại Đại học Michigan, người vợ đầu của ông, y tá của một bệnh viện sản khoa, đã thuyết phục chồng hiến tinh trùng cho những cặp vô sinh. Maxey trở thành "người cấp giống" cho bệnh viện này vì tinh trùng của ông có tỷ lệ đậu thai cao, và mang lại tiền cho bệnh viện.

Bản thân Maxey nhận được 20 đôla cho mỗi lần hiến, nhưng ông cho biết động lực chính để ông làm điều này không phải là tiền, mà do bản năng làm cha mạnh mẽ và lòng vị tha.

"Tôi yêu trẻ con, và việc để mặc những phụ nữ phải chịu số phận bi đát không gia đình dường như là không phải, vì thế tôi dễ dàng đi đến quyết định hiến tinh trùng".

Từ lúc làm việc này, đôi khi ông nhận được cú điện thoại từ một y tá kiểu như: "Đang vội đấy! Ở chỗ chúng tôi có một phụ nữ rụng trứng sáng nay. Anh có thể đến đây trong nửa giờ được không?".

Maxey, giờ đã là Tổng giám đốc của công ty dược phẩm toàn cầu Cayman Chemical, cho biết thời điểm đó ông chẳng suy nghĩ nhiều, cũng chẳng phải thực hiện bất kỳ cuộc kiểm tra gene hay kiểm tra sức khỏe nào. Ông chỉ đơn giản ký tên vào một giấy khước từ để bảo đảm tình trạng nặc danh, rồi tự nhốt mình trong một căn phòng với một cái cốc và một tạp chí khiêu dâm, chẳng để tâm đến các hậu quả về vấn đề tình cảm hay gene của 30 năm sau đó. Và theo Maxey, đó có thể là lý do vì sao ông lại có nhiều con.

Nhưng giờ đây, lương lâm đang cắn rứt ông về việc đã "sản sinh" quá nhiều như vậy. Ngoài giờ làm việc, Maxey trở thành người ủng hộ nhiệt tình cho những quy định mới của chính phủ trong việc kinh doanh tinh trùng. Ông cũng cho công bố bộ gene của mình thông qua Dự án Gene người tư nhân ở Harvard, với hy vọng thông tin thu thập được một ngày nào đó có thể giúp các con ông cũng như mẹ của chúng.

"Tôi nghĩ ngân hàng tinh trùng đã khá bất cẩn khi tạo ra quá nhiều đứa trẻ như vậy mà không theo dõi tình trạng sức khỏe của tôi cũng như của họ", ông nói. "Kể từ lúc ấy có thể có rất nhiều gia đình đã muốn biết về sức khỏe của tôi, và đây là nỗ lực để tôi sửa sai điều đó".

Việc hiến tặng tinh trùng ngày nay không còn là công việc trong bóng tối nữa vì hiện tượng những cặp cha mẹ hiếm muộn hay đồng tính luyến ái, hoặc phụ nữ đơn thân muốn có con hầu như đã được xã hội chấp nhận. Chỉ tính riêng ngân hàng California Cryobank, hàng năm đã bán ra trung bình 30.000 lọ tinh trùng.

Đồng thời, những người hiến tinh trùng và con cái của họ đã bắt đầu tìm đến với nhau thông qua việc xét nghiệm gene và các website như Donor Sibling Registry.

Năm 2007, hai cô con gái của Maxey là Ashley và Caitlyn Swetland, 18 và 21 tuổi, đã tìm ra cha đẻ của mình nhờ trang web này. Cả hai sống cách ông chỉ 45 phút lái xe và kể từ đó họ thăm viếng Maxey vài lần mỗi năm, cùng đi leo núi với ông và cậu con trai 12 tuổi chính thức của ông, hoặc gặp gỡ nhau tại một tiệm kem truyền thống.

Những đứa con khác chưa tìm đến Maxey, nhưng khi mối quan hệ với hai cô con gái đang ngày càng tốt đẹp, ông bắt đầu lo lắng và suy nghĩ về hậu quả của những lần hiến trước đây của mình.

"Tôi tưởng các bác sĩ sẽ theo dõi từng đứa trẻ ra đời, nhưng khi biết họ đã không làm thế, tôi bắt đầu lo lắng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng yêu nhau?", Maxey kể.

Và ông cũng bắt đầu lo về sức khỏe bộ gene của mình. "Tôi muốn biết liệu mình có truyền cái gene chết người hoặc trục trặc nào cho chúng hay không?".

Đó là những thắc mắc mà các ngân hàng tinh trùng lẫn chính phủ không hề đặt ra. Đã vài lần, Maxey thử tiếp xúc với IVF Michigan, ngân hàng nơi ông thực hiện phần lớn các cuộc hiến, nhưng đều bị từ chối cung cấp thông tin.

Trong tương lai, Maxey tin rằng bất cứ người hiến và người nhận tinh trùng nào cũng cần được kiểm tra gene để loại bỏ những nguy hiểm tiềm tàng cho những đứa trẻ.