Nỗi lo thật từ thực phẩm chức năng giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn thực phẩm chức năng (TPCN) giả đang là nỗi hoang mang của người tiêu dùng cũng như mối lo ngại của các cơ quan quản lý bởi tính chất nghiêm trọng của nó.

Liên tiếp gần đây, cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ TPCN giả càng làm dấy lên nỗi lo này.

Những vụ vi phạm “khủng”

Vụ việc phát hiện lượng TPCN vi phạm lớn nhất từ trước đến nay hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Theo đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phòng An ninh Kinh tế - CATP phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thu giữ hàng chục nghìn loại TPCN không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu cùng hàng nghìn kilôgam vỏ hộp, tem nhãn mác và vỏ nhựa không nhãn mác tại Công ty Slim HMN Việt Nam (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì). Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều nhà thuốc, quầy thuốc bán TPCN của công ty này cùng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ và thu giữ số lượng lớn.
Đội Quản lý thị trường số 1 thu giữ thực phẩm chức năng chưa rõ nguồn gốc trên đường Phạm Hùng chiều 7/9. Ảnh: Hoài Nam
Đội Quản lý thị trường số 1 thu giữ thực phẩm chức năng chưa rõ nguồn gốc trên đường Phạm Hùng chiều 7/9. Ảnh: Hoài Nam
Được biết, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã họp cùng Bộ Y tế để làm rõ vụ việc này. Bước đầu, qua kết quả xét nghiệm của ngành y tế cho thấy, 14 mẫu được xét nghiệm thì cả 14 mẫu vi phạm chất lượng theo công bố, bước đầu bị coi là hàng giả.

Cũng liên quan đến TPCN vi phạm, mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm thùng hàng chứa TPCN không đảm bảo chất lượng tại Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam (ngách 45, đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa). Trong đó, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba, Vitamin E… mang nhãn mác của Mỹ. Các loại sản phẩm chức năng này không đủ thành phần và tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký. Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Takeda Việt Nam thừa nhận, các loại bao bì, nhãn mác, hộp đựng sản phẩm, các loại phụ kiện khác và hàng chục nghìn loại TPCN dạng viên đã được Công ty nhập từ Hải Dương về. Sau đó, nhân viên của Công ty đóng gói, dán tem nhãn rồi bán ra thị trường.
Theo thống kê của Cục ATTP, nhu cầu sử dụng TPCN gia tăng rất nhanh và ngày càng phổ biến ở các TP lớn: Tại Hà Nội là 63% người trưởng thành, TP Hồ Chí Minh là khoảng 43% người trưởng thành.

Hay như vụ Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh và kho hàng của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Thiên Nga và phát hiện hàng trăm sản phẩm vi phạm. Đoàn đã tiến hành lập biên bản, niêm phong chờ xử lý và xử phạt hành chính 203 triệu đồng, buộc Công ty phải tiêu hủy các sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục ATTP cũng vừa công bố xử phạt hàng chục công ty sản xuất kinh, doanh TPCN vi phạm, có công ty đã bị xử lý hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói, những vi phạm xảy ra liên tiếp, ngày càng nghiêm trọng khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, không biết sử dụng sản phẩm nào an toàn.

Khó kiểm soát

Phần lớn các mặt hàng TPCN giả, kém chất lượng tiêu thụ trong nước đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Khi về đến Việt Nam, các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Đặc biệt, trong một số vụ, lượng hàng giả, hàng kém chất lượng bị phát hiện lên đến con số hàng chục tấn. Ngành chức năng thừa nhận, vấn nạn này rất khó kiểm soát. Liên tiếp nhiều vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả rất tinh vi, đầu tư, trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Đặc biệt, hiện nay, TPCN giả không chỉ dừng lại ở các mặt hàng gắn nhãn mác nước ngoài như các TPCN của Mỹ, Nhật, Australia…, mà còn xuất hiện những sản phẩm giả, nhái, ăn theo các nhãn hàng nổi tiếng trong nước.

Có thể nói, TPCN là một trong những ngành hàng, sản phẩm bị làm giả nhiều nhất, bởi lợi nhuận thu được từ những sản phẩm giả này là vô cùng lớn. Thực tế, có nhiều sản phẩm TPCN giả, nguyên liệu chỉ được làm từ bột, phẩm màu rồi nén thành viên, sau đó được các đối tượng sản xuất hàng giả gắn mác thành TPCN của các thương hiệu cao cấp có nguồn gốc ngoại nhập và bán với giá cao.

Ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, thời gian tới, ngành y tế cần rà soát công tác quản lý trong giám định, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký lưu hành, cấp giấy phép. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, đăng ký chất lượng, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng TPCN.

Về phía ngành y tế, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, giám sát và mạnh tay xử lý các đơn vị vi phạm. Tới đây, việc kiểm soát chất lượng TPCN sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, theo ông Phong, để mua đúng TPCN chất lượng, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng theo “đồn thổi”, không mua hàng xách tay, không có địa chỉ phân phối chính thức tại Việt Nam.
Chiều 7/9, tại đường Phạm Hùng, qua kiểm tra xe ô tô BKS 30F 1117, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện một lượng lớn TPCN do nước ngoài sản xuất, đồng hồ, điện thoại iPhone 6s… (Lê Nam)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần